Saturday, October 20, 2012

Dân tộc và đất nước nào thống trị giải Nobel ?


Dân tộc và đất nước nào thống trị giải Nobel ?
Người Do Thái chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới lại đóng góp đến 23% tổng số cá nhân đã từng nhận giải Nobel... Và nước Mỹ, quốc gia có lịch sử vô cùng ngắn ngủi lại giành được số giải Nobel nhiều hơn tất cả các nước có nền văn minh phát triển hàng nghìn năm.

Người Do Thái thông minh hơn đa phần nhân loại ?

Phải chăng người Do Thái thông minh hơn phần còn lại của nhân loại? Và nước Mỹ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, xứng đáng là cái nôi của các thiên tài? Hay còn những bí mật nào khác về con đường dẫn đến giải Nobel mà chúng ta chưa được biết? Nhiều giả thuyết về nguồn gốc trí tuệ của người Do Thái. Có giả thuyết cho rằng người Do Thái sớm đề cao thuyết ưu sinh. Kinh Talmud của họ có đoạn viết: “Một người nên bán tất cả gia sản để cưới được con gái một học giả, hoặc để cưới được một học giả cho con gái mình”. Nhờ quan điểm coi trọng việc lựa chọn bạn đời là những người thông minh, có học thức mà các thế hệ sau người Do Thái được hưởng nguồn gien tốt và xuất hiện ngày càng nhiều thiên tài.
Lịch sử 106 năm của giải Nobel chứng kiến một hiện tượng lạ lùng: trong số 779 người đã từng đoạt giải Nobel, có ít nhất 176 người Do Thái.
Người Do Thái đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Họ đã cống hiến cho nhân loại một trong những bộ óc vĩ đại nhất của lĩnh vực vật lý lý thuyết, Albert Einstein, cha đẻ  thuyết tương đối, chủ nhân giải Nobel Vật lý 1921.
Người Do Thái nổi tiếng bởi tài năng trong kinh doanh và chính trị. Họ đã sản sinh ra rất nhiều nhà tư tưởng kiệt xuất, trong đó có Milton Friedman (Nobel Kinh tế 1976), “nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất nửa cuối thế kỷ XX” theo đánh giá của tạp chí The Economist.
Người Do Thái còn là một dân tộc sở hữu những tâm hồn nghệ sĩ bay bổng như Boris Pasternak (Nobel Văn học 1958), tác giả cuốn tiểu thuyết "Bác sĩ Zhivago".
Làm thế nào mà một dân tộc đã từng bị xua đuổi và tàn sát đến mức hiện chỉ còn vẻn vẹn 13 triệu người sống rải rác trên khắp thế giới lại có thể đạt được những kỳ tích lớn lao như vậy?
Đối với một số nhà nghiên cứu, câu trả lời thật đơn giản: Người Do Thái thông minh hơn đa phần nhân loại.

Trí tuệ người Do Thái

Theo kết quả một số khảo sát mới đây tại Mỹ, Anh và Đông Âu thì chỉ số IQ trung bình của người Do Thái dao động trong khoảng từ 107 đến 115, trong khi mức trung bình chung của nhân loại là 100. Dựa trên kết quả này và lấy độ lệch chuẩn là 15, người ta tính được rằng tỉ lệ người Do Thái có IQ trên 140 (mức của các thiên tài) cao hơn gấp 6 lần so với các dân tộc khác. Quan điểm về trí tuệ vượt trội của người Do Thái đã nhiều lần bị phản đối và một số nhà khoa học đã tìm cách chứng minh rằng về mặt di truyền, không tồn tại cái gọi là nguồn gien thông minh thượng đẳng. Dù vậy, chỉ số IQ cao hơn mức bình thường của người Do Thái, cũng như những thành tựu xuất sắc của dân tộc này trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự góp mặt đầy ấn tượng của họ ở giải Nobel lại là điều rất khó giải thích, nếu không tin rằng họ thực sự có một khả năng tư duy khác thường. Có giả thuyết lại lý giải sự thông minh vượt bậc của người Do Thái - đó là kết quả của một quá trình chọn lọc tự nhiên. Trong lịch sử, người Do Thái đã từng bị phân biệt đối xử, bị xua đuổi và tàn sát. Chỉ những người thông minh, tháo vát mới có thể sống sót sau những biến cố ấy và làm nên một dân tộc Do Thái như ngày nay. Giả thuyết này gần với giả thuyết của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Utah (Mỹ). Theo đó, vào thời Trung cổ, vì không có đất đai nên đa số người Do Thái phải mưu sinh bằng việc buôn bán. Công việc này đòi hỏi phải suy nghĩ, tính toán nhiều hơn làm nông nghiệp và những người thành công nhất thường là những người thông minh nhất. Khi trở nên giàu có, họ thường có xu hướng sinh đẻ nhiều hơn những người làm ăn thua lỗ và do đó, nguồn gien của những người thông minh dần dần chiếm tỉ lệ lớn trong cộng đồng Do Thái.

Nghịch lý Israel

Nếu như người Do Thái là một dân tộc thông minh thì theo logic mà nói, lẽ ra Israel phải là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về số người đoạt giải Nobel. Nhưng trong số 176 người Do Thái đã nhận được giải thưởng này, chỉ có vẻn vẹn 8 người là công dân Israel.
Người Israel chưa từng được trao giải Nobel nào trong Y học và Vật lý, cho dù đây là 2 lĩnh vực thế mạnh của các nhà khoa học Do Thái. Đây là đất nước của gần một nửa số dân Do Thái trên toàn thế giới. Bên cạnh những lý do chính trị như thái độ thiếu thiện cảm của một số học giả phương Tây đối với nhà nước Do Thái, thì trở ngại lớn nhất mà các nhà khoa học Israel gặp phải trên con đường đến giải Nobel là họ thiếu một hạ tầng cần thiết cho việc nghiên cứu. Đa số những người đoạt giải Nobel đều xuất thân từ những trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng, nơi có tất cả những điều kiện cần thiết để tài năng của họ phát triển. Israel hiện chưa có những cơ sở tầm cỡ như vậy. Các nhà khoa học của họ muốn đạt đến đỉnh cao đều phải ra nước ngoài học tập và làm việc. Daniel Kahneman (Nobel Kinh tế 2002) là một trường hợp tiêu biểu. Ông làm luận án tiến sĩ tại Mỹ, quay về Israel giảng dạy một thời gian rồi lại sang Mỹ đầu quân cho 2 đại học danh tiếng là Berkeley và Princeton. Mặc dù vẫn giữ quốc tịch Israel, nhưng ông sinh sống chủ yếu ở Mỹ và mặc dù được trao giải Nobel với tư cách là công dân của Israel, song thành tựu nghiên cứu của Kahneman lại không thể tách rời môi trường làm việc cũng như những khoản tài trợ của nước Mỹ.

Mỹ - Vùng đất của các thiên tài

Hoàn toàn không cường điệu khi nói như vậy về nước Mỹ. Từ năm 1943 đến nay, ngoại trừ 2 lần vào các năm 1957 và 1991, chưa bao giờ người Mỹ vắng mặt ở lễ trao giải Nobel. Chuyện các nhà nghiên cứu Mỹ lập hat-trick, giành cả 3 giải Nobel khoa học trong cùng 1 năm đã xảy ra không chỉ một lần.
Sự thống trị của người Mỹ ở giải thưởng danh giá nhất thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu này còn thể hiện ở ngôi vị quán quân tuyệt đối trên bảng thành tích của giải, với 305 cá nhân đã từng được tôn vinh.
Đất nước của các chàng cao bồi và chuột Mickey mới trở thành vùng đất của các thiên tài và giải Nobel từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nửa đầu thế kỷ XX, châu Âu vẫn là thánh địa của khoa học với 109 giải Nobel, trong khi nước Mỹ chỉ nhận được 13. Thế nhưng kể từ năm 1969 đến nay, 169 giải Nobel đã về với nước Mỹ, trong khi chỉ có 92 giải được trao cho các nhà khoa học châu Âu.
Một trong những nguyên nhân chính của hiện tượng này là nước Mỹ ngày càng thu hút được nhiều bộ óc thiên tài. Ngay trước và trong Thế chiến thứ hai, do những chính sách cai trị tàn khốc của chế độ phát xít, rất đông các nhà khoa học Đức (trong đó có nhiều người thuộc dân tộc Do Thái) đã chạy sang Mỹ. Một trong những người đầu tiên là Einstein, tới Mỹ năm 1933.
Sau chiến tranh, dòng chất xám từ khắp thế giới vẫn tiếp tục đổ về nước Mỹ. Người ta ước tính, khoảng 40% các nhà khoa học Mỹ hiện nay được sinh ra ở châu Âu. Rất ít người trong số đó có ý định trở về.

Đôla - tấm giấy thông hành tới Stockholm

Báo Guardian nước Anh đã từng cay đắng nhận xét: “Ngày nay, để giành giải Nobel, người ta cần một cuốn hộ chiếu, hay ít ra là một tập séc Mỹ”. Không phải ngẫu nhiên mà nước Mỹ cho châu Âu “ngửi khói” trong cuộc đua đến lễ trao giải Nobel ở Stockholm.
Mỹ hiện là nước đầu tư lớn nhất cho nghiên cứu khoa học. Ngân sách dành cho các hoạt động nghiên cứu của Mỹ cao hơn 2 lần số tiền mà toàn bộ 27 thành viên EU bỏ ra cho mục đích tương tự (270 tỉ đôla/năm so với khoảng 123 tỉ).
Không chỉ mạnh tay chi tiền, nước Mỹ còn có chính sách phân bổ nguồn tài trợ và quản lý công tác nghiên cứu linh hoạt hơn châu Âu. Từ những năm 1960 đến nay, châu Âu tập trung chủ yếu vào các nghiên cứu ứng dụng, trong khi Mỹ vừa phát triển công nghệ, vừa khuyến khích các ngành khoa học cơ bản, lĩnh vực ưu tiên của giải Nobel, đồng thời là nền tảng của mọi phát minh.
Và trong khi các quốc gia từng là đầu tàu nghiên cứu của thế giới như Anh, Pháp, Đức còn đang loay hoay với đủ loại cơ chế hành chính thì nước Mỹ đã sớm nhận ra rằng không bao giờ có thể bỏ bệnh quan liêu giấy tờ và các thiên tài “vào cùng một giỏ”, chính phủ can thiệp càng nhiều thì càng có ít giải Nobel.
Chỉ có 1/6 trong số tất cả những người Mỹ giành giải Nobel từ năm 1969 đến nay xuất thân từ các trường công. Trong bảng xếp hạng các đại học Mỹ của báo USA Today, Berkeley, trường đứng đầu trong khối các đại học công chỉ xếp thứ 20. Thế nhưng so với các đại học ngoài nước Mỹ thì Berkeley vẫn là một đỉnh cao. Duy chỉ có Cambridge của Anh là có thể so sánh với nó về số giải Nobel.

Bao giờ nước Mỹ bị hạ bệ?

Trong những năm gần đây, người ta chứng kiến sự xuất hiện thường xuyên hơn của một số gương mặt mới tại giải Nobel như Nhật Bản, Trung Quốc. Các nước EU thì triển khai kế hoạch tăng ngân sách dành cho nghiên cứu từ 1,9% GDP lên 3% vào năm 2010 để đuổi kịp Mỹ.
Từng quốc gia riêng lẻ ở châu Âu cũng có những chương trình cụ thể nhằm tô hồng bức tranh khoa học. Như với Đức là nỗ lực tìm kiếm những Einstein mới với ý định khôi phục lại vị trí dẫn đầu về số lượng giải Nobel như trước Thế chiến thứ hai. Hay nước Nga với mục tiêu khẳng định vị trí siêu cường trong khoa học. Tuy nhiên, không phải ngày một ngày hai mà những nỗ lực này hạ bệ được nước Mỹ.
Phải chờ ít nhất là hàng thập kỷ nữa người ta mới có thể chứng kiến những thành công trong việc cải thiện công tác nghiên cứu khoa học ở các nước châu Âu, ít nhất là về số lượng giải Nobel. Một nghiên cứu nghiêm túc thường phải mất nhiều năm để thực hiện và sau đó, theo như thông lệ ở giải Nobel, phải mất thêm chừng 10 đến 15 năm nữa để được tôn vinh.
Sự cạnh tranh từ các nước đang phát triển còn yếu ớt hơn rất nhiều. Cho đến nay, số giải Nobel được trao cho khu vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là các giải Nobel Hòa bình, hoặc đôi khi là giải Nobel Văn chương, nhưng thường được gắn với các vấn đề chính trị nhạy cảm và gây tranh cãi.
Với khả năng đầu tư, hạ tầng vật chất dành cho nghiên cứu và hệ thống giáo dục như hiện nay, khả năng bứt phá trong cuộc đua đến giải Nobel của các nước đang phát triển là không có. Ít nhất là trong vài ba thập kỷ tới.
Hương Tiên

No comments:

Post a Comment