Sunday, October 21, 2012

Kinh Thánh được viết bằng thứ tiếng nào?


Vì được ghi lại ở nhiều nơi khác nhau, nên Kinh Thánh được viết ít nhất là bằng ba thứ tiếng. Phần lớn nhất của sách Cựu Ước được viết bằng tiếng Hy Bá Lai. א ב ג ד ה ו ז ח ט י כ ך ל מ ם נ ן ס ע פ ף צ ץ ק ר ש ת ﭏ
Thứ tiếng này là ngôn ngữ được nói tại Paléttin trước khi dân Do thái bị đi lưu đày ở Babylon (597,587,582 trước Chúa Giáng Sinh).
Sau thời lưu đày, dân Do thái bắt đầu nói tiếng Aram, nhưng Kinh Thánh vẫn được viết, chép lại và đọc tiếp bằng tiếng Hy Bá Lai  Cũng từ đó mà có nhiều người không còn hiểu được Sách Thánh, vì ngôn ngữ đã trở nên bất đồng.

Để giúp cho các tín hữu hiểu được Kinh Thánh, người ta đã lập ra các "lớp học" tại mỗi cộng đoàn và mỗi địa phương. Đức Giêsu hẳn cũng đã học ở một trường như vậy tại Na da rét, để biết tiếng Hy Bá Lai nhằm có thể hiểu Kinh Thánh.
Sách Tân Ước và một phần nhỏ của Cựu Ước, là sách Khôn Ngoan, được viết bằng tiếng Hy lạp. Đây là thứ ngôn ngữ thương mại mới, được phổ biến ở những vùng mà Alexander Cả (336-323), vua của Mazedonien, chinh phục trong thế kỷ thứ 4 trước Chúa Giáng Sinh.
Vào thời Chúa Giêsu, dân Do thái nói tiếng Aram trong gia đình, dùng tiếng Hibri khi đọc Kinh Thánh, tiếng Hy lạp trong chính trị và giao dịch thương mại. Trong thời điểm này sách Tân Ước chưa được viết, mà chỉ có sách Cựu Ước mà thôi. Tân Ước lúc đó được sống và chuẩn bị tại Na da rét  trong Đức Giêsu.
Những người Do thái không sống tại Paléttin mà đã di dân sang Ai cập sau thời lưu đày tại Babylon, đã quên dần tiếng mẹ đẻ sau một thời gian sống ở đó. Họ không còn hiểu được tiếng Aram và Hy Bá Lai nữa, mà chỉ hiểu tiếng Hy lạp thứ tiếng phổ biến từ Hy lạp tới Ai cập vào thời đó.
Vì vậy, vào thế kỷ thứ 3 sau Chúa Giáng Sinh, một nhóm người Do thái đã quyết định dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Hy Bá Lai sang tiếng Hy lạp  Đây là bản dịch Kinh Thánh đầu tiên và được gọi là Bản Bảy Mươi (LXX).
Theo truyền thuyết kể lại trong thư Aristeas, một bản văn có từ cuối thế kỷ thứ 2, thì theo yêu cầu của Vua Plolemaeus II. Philadelphus (284-247), Thượng Tế Eleasar đã gửi 72 Hiền sĩ thuộc 12 Dòng tộc Do thái  mỗi dòng tộc 6 vị, từ Giêrusalem đến Alexanria, để dịch bộ Ngũ Kinh của Môi sê từ tiếng Hy Bá Lai sang tiếng Hy lạp.
Trên đảo Pharos, mỗi vị đã dịch riêng bộ luật rồi so sánh với nhau. Họ đã hoàn thành công việc này sau 72 ngày. Bản dịch đó đã được chính thức long trọng công nhận và xử dụng trong cộng đoàn Do thái tại Alexandrien. Số 72 được làm tròn thành bảy mươi, tiếng La tinh gọi là Septuaginta (LXX).    
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ của Người kéo đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc nói tiếng Hy lạp thời đó. Họ đã dùng Bản Bảy Mươi và qua đó đã phổ biến nó ở những nơi mà họ đến.
Trong khi thực hiện việc dịch bản Bảy Mươi, thì danh sách (Kanon = Quy điển) của những cuốn sách thuộc về Kinh Thánh chưa được hoàn chỉnh. Vì thế mà Kinh Thánh bản tiếng Hy lạp có một danh sách dài hơn là Kinh Thánh tiếng Hy Bá Lai.
Sự khác biệt về số sách trong Kinh Thánh của Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành, nằm trong sự khác biệt của Kinh Thánh theo bản Bảy Mươi và bản tiếng Hy Bá Lai  Trong khi Giáo Hội Tin Lành giữ lại danh sách ngắn hơn của bản Hy Bá Lai  thì Giáo Hội Công Giáo dùng bản Bảy Mươi với một số sách nhiều hơn và như thế theo gương các Tông Đồ.
Tương đương sự khác biệt này, các ấn bản Kinh Thánh của Giáo Hội Tin Lành không có các sách sau đây: Tô bi a, Giu đi tha, Ba rúc, Huấn ca, Khôn ngoan, 2 quyển Macabê cũng như một vài phần sách Đa ni en và Ét te. Những sách này vì thế được gọi là Thứ Kinh, nghĩa là chúng thuộc vào danh sách thứ hai.
nguyễnđứcvinhsvd ghi lại ■

No comments:

Post a Comment