Những chính sách của Đức Giáo Hoàng đối với người Do thái
VATICAN CITY (CNS) - Một bức hí họa đăng trong ấn bản tháng giêng tờ báo của người Do thái ở nước Ý mô tả Đức giáo hoàng Benedict XVI đang vượt qua sông Tiber trên một sợi dây, cố giữ thăng bằng bằng một cây sào có một đầu ghi từ ngữ “đối thoại” còn đầu bên kia là “cải đạo”. Trong lúc ngài chuẩn bị băng qua dòng sông Tiber để đi từ điện Vatican sang nguyện đường chính của người Do thái ở Rome vào ngày 17 tháng này, không một ai đã tiên đoán rằng cuộc hành trình này sẽ diễn tiến dễ dàng. Khắp cộng đồng Do thái trên thế giới đang tiếp diễn một thái độ khó chịu về những quyết định của Đức giáo hoàng Benedict trong việc tiến hành thủ tục tuyên thánh cho Giáo hoàng Piô XII, trong việc tha vạ tuyệt thông cho vị giám mục đã chối bỏ nạn diệt chủng Do thái, và nơi việc ban hành một lời cầu nguyện cho người Do thái đã được cải biên trong phụng vụ ngày Thứ Sáu tuần thánh theo nghi thức Tridentino. Mức nhậy cảm của những hành động này đã nổi bật tại Rome. Người Do thái đã sinh sống ở Rome cả trước khi Chúa Kitô ra đời, và hàng bao thế kỷ, sự tương tác giữa cộng đồng Do thái trong đô thị này với các vị giáo hoàng đã tạo thành một giòng lịch sử độc đáo về những mối liên lạc giữa Do thái giáo và Vatican, phần lớn là buồn thảm. Giới chức thuộc Bảo tàng viện Do thái ở Rome, trú sở đặt trong khu nguyện đường, dự trù trưng bầy một cuộc triển lãm đặc biệt mô tả một phần trong lịch sử đó, dành cho Đức giáo hoàng Benedict và các khách viếng thăm trong những tháng tới đây. Trọng tâm của cuộc triển lãm gồm có 14 tấm bảng trang trí do các nghệ sĩ Do thái thực hiện để ghi dấu ngày đăng quang của các Giáo hoàng Clement XII, Clement XIII, Clement XIV và Piô VI vào những năm 1700. Từ hàng trăm năm, cộng đồng Do thái đã bị ép buộc phải tham gia vào các lễ hội đăng quang của các tân giáo hoàng – thường trong một cung cách làm hạ thấp phẩm giá. Các nhóm trong thành phố được giao cho công tác phải trang hoàng những đoạn đường giáo hoàng sẽ đí qua, từ điện Vatican đến Vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateran. Cộng đồng Do thái có trách nhiệm về con đường kéo dài giữa Đấu trường Colosseum và Khải hoàn môn Titus. Cổng này được dựng nên để mừng Đế quốc La mã chiến thắng người Do thái ở Jerusalem vào thế kỷ thứ nhất. Cuộc chiến thắng của Rome còn bao gồm cả việc phá hủy Đền thờ, là nơi cực thánh của Do thái giáo, và đài chiến thắng mô tả những tên lính Roma cướp đi các chân nến bảy ngọn và những đồ vật phụng tự khác của người Do thái. Nguyện đưòng chính của người Do thái ở Rome toạ lạc chỉ cách điện Vatican chừng hai miles, trong khu vực đã một thời được gọi là “ghetto” Do thái của đô thị này. Từ ngữ ghetto khởi thuỷ được người Ý đặt ra để mô tả một khu vực trong thành phố nơi người Do thái bị ép buộc phải tập trung để sinh sống. Vào năm 1555 – khi người Do thái đã bị trục xuất ra khỏi các nước Tây ban nha, Bồ đào nha, Anh và Pháp – Giáo hoàng Phaolô IV đã ra một sắc chỉ chính thức truyền cho những người Do thái ở Roma và khắp các Lãnh địa của Giáo hoàng “phải cư ngụ toàn bộ bên cạnh nhau trong các đường phố được chỉ định, và hoàn toàn cách biệt khu cư trú của người Kitô giáo.” Giáo hoàng nói rằng thật “hoàn toàn vô lý và không thích đáng” nếu để cho người Do thái sống trù phú trong vùng đất người theo Kitô giáo, khi mà họ đã “bị Thiên Chúa kết án phải vĩnh viễn làm tôi đòi” vì thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu. Người Do thái ở Rome đã bị bó buộc phải sống trong khu “ghetto” như thế cho mãi đến khi các Lãnh địa Giáo hoàng bị hủy bỏ năm 1870. Dân số trong bốn dẫy phố của khu ghetto lên xuống trong khoảng từ 1750 đến 5000 người. Cuộc viếng thăm nguyện đường Do thái của Đức giáo hoàng được dự trù trùng hợp với ngày 17 tháng giêng là ngày Giáo hội Công giáo nước Ý chọn làm ngày đối thoại giữa Công giáo và Do thái. Năm nay, ngày này cũng trùng vào lễ Shevat 2 trên niên lịch Do thái, đó là ngày cộng đồng Do thái ở Rome mừng kỷ niệm một phép lạ xảy ra trong khu ghetto cũ. Tin tưởng rằng các thành viên trong cộng đồng Do thái đang hoạt động để đem vào nước các lý tưởng và sự tự do phát khởi từ cuộc Cách mạng Pháp – trong đó có vấn đề tách biệt giữa giáo hội và nhà nước – năm 1793 một đám đông đã nổi lửa đốt một trong những cổng vào ghetto, rõ rệt là có mưu đồ thiêu rụi mọi căn nhà trong khu đó nữa. Nhưng trời bỗng dưng tối sầm và một trận mưa lớn ào ạt đổ xuống dập tắt đám cháy và đẩy lui đám đông trở về nhà. Năm 1870, hầu hết các ngôi nhà được triệt hạ sau khi các cổng ghetto được khai thông. Một nguyện đưiờng chính và mới, được xây cất trong khu vực này giữa những năm từ 1901 đến 1904, đó là nguyện đưiờng Đức giáo hoàng sẽ tới viếng thăm. Chỉ cách nguyện đường này ít thước là một ngôi thánh đường mà lịch sử gắn liền với lịch sử của khu ghetto. Một tấm bảng trên cửa vào nhà thờ có trưng dẫn - bằng tiếng La tinh và Do thái – một câu trong sách tiên tri Isaia: “Suốt ngày Ta đưa tay kêu gọi một dân ngỗ nghịch, bọn người theo ý riêng mà đi trong đường tà.” Nhà thờ Thánh Grêgory đứng đối diện với lối vào khu ghetto và tấm bảng nói trên phản ảnh thái độ từ hàng bao thế kỷ của người Công giáo, cho rằng bất chấp tất cả những gì mà Chúa đã làm cho họ, người Do thái vẫn từ khước không nhận đấng cứu chuộc. Trong khoảng giữa những năm từ 1572 đến 1848, các nhà thờ kế cận khu ghetto được dùng để xuất phát ra những “bài giảng o ép” nhằm thuyết phục người Do thái cải đạo theo Kitô giáo. Mỗi buổi chiều ngày thứ bẩy, do sắc lệnh của giáo hoàng, một bộ phận trong cộng đồng Do thái phải nghe một linh mục giảng thuyết về Đức Kitô, dùng chính các bài đọc Kinh Thánh mà cộng đoàn đã nghe sáng hôm đó tại nguyện đường Do thái. Có truyền thuyết cho rằng nhiều người Do thái đã dùng sáp bịt kín lỗ tai trong những buổi giảng thuyết như thế. Tuy mối liên lạc Công giáo–Do thái giáo đã được cải thiện lớn lao trong thế kỷ trước – đặc biệt là do giảng huấn của Công đồng Vatican II và thái độ cởi mở của Giáo hoàng Gioan Phaolô II -- bức tranh hí họa về vị giáo hoàng đi đong đưa trên dây đăng trên tờ nhật báo Pagine Ebraiche nói rõ ra rằng người ta đã không quên đi lịch sử độc đáo giữa cộng đồng Do thái ở Rome và các vị giáo hoàng.
Tác giả: Phạm Hoàng Nghị
Đức giám mục richard williamson , ngài đã chối bỏ nạn diệt chủng Do thái
Đức giám mục richard williamson , ngài đã chối bỏ nạn diệt chủng Do thái
Đức giám mục richard williamson , ngài đã chối bỏ nạn diệt chủng Do thái
Nhìn mặt đáng sợ quá
O.o
No comments:
Post a Comment