Sunday, October 21, 2012
Kinh nghiệm làm ăn với người Do Thái
Kinh nghiệm làm ăn với người Do Thái
Trước kia khi chưa làm ăn với người Do Thái, tôi cũng không biết nhiều lắm về dân tộc này và chỉ biết sơ qua người Do Thái là một dân tộc lưu lạc khắp nơi trên thế giới, làm kinh tế rất giỏi và trong thế chiến thứ 2, Hitle đã quyết truy sát và tìm mọi cách diệt chủng dân tộc này. Nhưng khi gặp và làm ăn với họ, tìm hiểu về người Do Thái tôi vô cùng nể phục và hiểu được một phần vì sao họ thống trị nền kinh tế thế giới hiện nay. Tôi nghĩ các doanh nhân Việt Nam chúng ta nên học hỏi cách kinh doanh làm giàu của người Do Thái và nên lôi kéo họ đầu tư vào Việt Nam để nâng cao thương hiệu quốc gia ra toàn thế giới thông qua cộng đồng hùng mạnh này.
Người Do Thái rất coi trọng trí tuệ và sự uyên bác. Đối với họ việc học là không ngừng, học nữa học mãi. Doanh nhân Do Thái buộc phải có học vấn và coi học vấn là một nghĩa vụ suốt đời. Người Do Thái thường nói: “ Nước trong giếng sâu không bao giờ hết, còn nước trong giếng cạn sẽ chóng cạn kiệt tới đáy”. Khi xem lại giải Nobel kinh tế thế giới, tôi chợt giật mình khi thấy tới một phần ba các nhà kinh tế đạt giải là người Do Thái. Họ khuynh đảo thị trường tài chính thế giới, thống trị các ngân hàng đến nỗi Montesquieu nói: “ ở đâu có tiền bạc ở đó có người Do Thái”. Sâu hơn nữa tìm hiểu, tôi thấy những người giàu nhất thế giới hiện nay đều có nguồn gốc Do Thái: Micheal Dell, Roman Abramovic…
Người Do Thái cũng có nhiều điểm tương đồng người Việt Nam như chịu khó, lam lũ và thông minh. Nhưng có một điều khác nhau rất lớn giữa người Do Thái và Việt Nam mà tôi nghĩ là người Việt Nam ta hay tự ái rất cao nên không chịu học hỏi, thông minh nhưng không chịu đầu tư vào trí tuệ, chính vì như thế hiện nay ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều người giàu có nhưng cách ứng xử bị gọi là “trọc phú”, việc học hành theo một số doanh nghiệp VN hiện nay vẫn còn mang quan niệm cho là chỉ dành cho các học giả trí thức uyên thâm, chứ doanh nhân là chỉ lo làm giàu, kiếm tiền chứ không như người Do Thái, càng giàu họ càng đi học.
Tôi biết hiện nay vẫn có rất ít thương gia Do Thái qua tìm hiểu làm ăn và đầu tư tại Việt Nam và thị trường Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ đối với họ. Ray Barret, khách hàng đầu tiên người Do Thái của tôi là chủ một hãng thương mại, đối tác chính cung cấp hàng cho hệ thống siêu thị bán lẻ Costco của Hoa Kỳ và Canada. Lần đầu tiên Ray Barret đến Hồ Chí Minh qua lời giới thiệu của công ty mẹ bên Canada, khi đón Ray tại sân bay Tân Sơn Nhất tôi cứ nghĩ Ray Barret sẽ mặt áo choàng như những người theo đạo mà tôi thường gặp nhưng không, Ray mặc đồ bình thường như mọi thương gia và đặc biệt trên đầu ông ta có một chiếc mũ đen nhỏ đội giữa đỉnh đầu, biểu tượng của người theo đạo Do Thái. Với lối ăn nói cực kỳ lịch sự nhỏ nhẹ và ngoại giao, Ray đã để lại ấn tượng tốt cho ai mới lần đầu gặp mặt. Hôm đó là thứ 6, tôi đặt phòng cao cấp Executive suite cho Ray ở tầng thứ 22 cao nhất ở khách sạn Sheraton Sài Gòn với mục đích sẽ tạo cho Ray một bất ngờ với cityview thật đẹp nhìn ra sông Sài Gòn, tôi đâu biết rằng thiện ý của tôi chính là cái tai hại thiếu hiểu biết của mình khi không tìm hiểu kỹ văn hóa người Do Thái. Sau khi check-in xong tôi đưa Ray vào thang máy để lên phòng của mình thì Ray nói không thể đi thang máy được vì hôm nay là thứ 6 tối cuối tuần, người Do Thái không được đi và chạm tay vào bất cứ đồ điện tử nào. Thế là Ray lững thững cuốc bộ lên đến tầng 22 cao nhất của khách sạn với cái “cityview bất ngờ” của tôi. Ôi, sao có cái luật lệ đạo nghiêm khắc thế giữa cái thế giới hiện đại công nghệ này. Tôi bị ngớ người vì lần đầu tiên tiếp khách bị hố và một bài học lớn cho mình trước khi gặp gỡ một khách hàng người nước ngoài nên tìm hiểu kỹ văn hóa tín ngưỡng của dân tộc đó để chủ động. Đặc biệt những thương gia mới lần đầu tiên qua Việt Nam. Nếu biết trước, tôi đặt phòng ở tầng 1 hay 2 là thích hợp rồi. Chỉ khổ cho Ray Barret, đổ mồ hôi đưa tấm thân mệt mỏi sau chuyến bay dài của mình lên tầng 22 “cao nhất bất ngờ” của tôi.
Cũng hôm đó, tôi ngồi đợi Ray ở lobby khách sạn để chờ đi ăn tối, trước khi Ray qua tôi cũng đã tìm hiểu một số quán ăn cho người Do Thái, tôi đã cẩn thận điện hỏi khắp nơi có phải nhà hàng Kosher phục vụ cho người Do Thái không ?, ai cũng nói “yes” cả, ở đây có nhiều người theo đạo khắp nơi trên thế giới đến ăn. Khi Ray xuống, tôi hồ hởi nói với Ray bây giờ tôi sẽ đưa Ray đi ăn nhà hàng Do Thái ở Hồ Chí Minh để Ray thưởng thức món ăn Do Thái của mình tại Việt Nam. Ray nhìn tôi ngạc nhiên và nói “ làm gì có nhà hàng Do Thái ở Hồ Chí Minh và chắc chắn ở HCM chưa có nhà hàng nào cho người Do Thái cả đừng đến đó làm gì cho mệt”, tôi khẳng định với Ray tôi sống ở đây và tôi biết có vì tôi đã điện thoại đặt trước rồi. Cuối cùng Ray mỉm cuời và đi theo tôi tới nhà hàng cho người Do Thái của tôi. Nhà hàng tôi đưa Ray đến là nhà hàng Four Seasons tọa lạc ở số 2 Thi Sách, quận 1. Khi đến nơi, vừa thấy biểu tượng bên ngoài nhà hàng, Ray không vào và nói đây không phải là nhà hàng Do Thái mà là nhà hàng cho người theo đạo Hồi, Muslim. Mà người theo đạo Hồi- Muslim lại là những người không đội trời chung với người Do Thái- Jewish. Hỡi ôi… Tôi quay ra xe và cùng Ray đi. Tôi vội gọi cho quán thứ 2, thì ra đó cũng là quán ăn Hồi Giáo, tôi hỏi tại sao tôi điện thoại hỏi trước lại nói đây là quán ăn cho người Do Thái, em phục vụ cầm máy trả lời:” thì có biết người Do Thái là người gì đâu, cứ tưởng cũng giống như người Hồi Giáo, Do Thái với Hồi Giáo là một”…trời ơi..có chết tôi không chứ. Cái thằng hai lúa từ Tiên Phước vô Sài Gòn như tôi không biết đã đành sao em cũng hai lúa còn hơn tôi vậy ?. Bây giờ Ray mới nói, ở Sài Gòn chỉ có một chỗ cho người Do Thái ăn nhưng gia đình này mới mở và chỉ mang tính cách gia đình thôi, quán ăn đó nằm trong một hẻm ở đường Lê Lợi, đối diện chếch về bên trái chợ Bến Thành khoảng 250m. Ray Barret làm tôi quá ngạc nhiên và hỏi tại sao Ray lại biết rành như vậy vì đây là lần đầu qua Việt Nam. Ray nói một câu làm tôi nhớ mãi : “người Do Thái luôn biết trước những gì mình làm và nơi nào mình đi”. Thì ra họ có một worldwide network, liên hệ với nhau rất chặt chẽ và thông tin nội bộ rất chính xác. Thế là từ vị trí chủ nhà tôi biến thành khách và để khách hướng dẫn đi ngay trên quê hương của mình. Thật buồn cười ! cuối cùng loanh quanh trong hẻm Lê Lợi chúng tôi cũng tìm ra được quán ăn gia đình Do Thái đó. Sau khi làm vài món khó ăn, chúng tôi ra về, Ray nói quán ăn đó nấu đó ăn cũng chưa ngon lắm và cũng chưa đúng kiểu Do Thái. Thế là những ngày sau đó, Ray đi làm với tôi và ăn thức ăn của mình đem theo, toàn là mì tôm ăn liền dành cho người Do Thái. Điều đặc biệt là tô, đũa và vật dụng Ray đều đem theo chứ tuyệt đối không chạm và ăn đồ dùng ngoài. Còn nếu có ăn gì khác ở ngoài thì chỉ ăn trái cây với điều kiện dĩa đựng trái cây phải bọc giấy bạc. Nhìn cảnh một triệu phú như Ray mà phải chịu cực ăn mì tôm hoài như vậy làm tôi cứ nghĩ mãi về người Do Thái và kỷ luật bản thân của họ ?. Có lần tôi buộc miệng hỏi Ray, sao lại làm vất vả như thế mà chịu cực như vậy khi đi xa chịu sao nổi ?, Ray chỉ mỉm cười ý nhị không nói gì cả. Trong thời gian đi làm, cứ khoảng 1 tiếng đồng hồ là Ray phải tìm một nơi nào đó để cúng hay cầu nguyện cái gì đó, nếu đang đi trên xe ôtô thì dừng lại khoảng 5 phút cho Ray ra ngoài đứng bên vệ đường cầu nguyện. Có mấy người khách qua đường ngoái nhìn lại không hiểu ông Tây này đang làm cái gì như thầy cúng vậy. Nhưng cách làm việc của Ray Barret thì thật khủng khiếp, thời gian tính từng phút giây và không kể ngày đêm, mặc dầu ăn uống kham khổ vì ở VN không có nhà hàng Do Thái. Sau 5 ngày làm việc tích cực ở VN ở hai đầu Nam Bắc. Ray Barret lên máy bay về nước và nói sẽ không quên Việt Nam và tôi, không biết có thật không ?. Tôi thì chỉ gãi đầu và bắt tay ông mong gặp lại sớm nhất. Sau khi về từ sân bay, ý tưởng kinh doanh lóe trong đầu tôi là phải mở ngay một nhà hàng Do Thái tại Sài Gòn, chắc chắn trước sau gì những thương gia này sẽ đổ bộ đầu tư vào Việt Nam cùng với cộng đồng hùng mạnh của họ. Vì theo xu thế hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư Do Thái rất muốn chuyển hướng từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á khác vào Việt Nam. Rất tiếc tôi không rành về kinh doanh nhà hàng và đặc biệt không hiểu lắm về món ăn Do Thái. Nếu bạn nào làm được cứ thực hiện ý tuởng này hoặc kết hợp với tôi mở làm thử cái nhé. Đây là một thị trường còn bỏ ngõ ở Sài Gòn.
Doanh nhân Do Thái thứ hai tôi gặp là John Bellamy, ông là một trong những nhà nhập khẩu lớn ở Bắc Mỹ một loại hàng thuộc công nghiệp nặng. Do có kinh nghiệm tiếp khách từ trước với Ray Barret nên cuộc làm việc với John tương đối suôn sẻ hơn. Tất nhiên John và Ray biết nhau rất rỏ và thân nhau nữa vì cùng là thương gia lớn ở Bắc Mỹ và cùng dân Do Thái. John cũng lần đầu tiên tới Việt Nam và cũng rất phấn khởi khi thăm và làm việc tại Sài Gòn và Hà Nội, ông nói ông cũng rất muốn mua hàng và tìm hiểu về Việt Nam. Khi đi làm việc với ông, tôi rất bất ngờ trước những quyết định nhanh và quyết đoán của ông. Hợp đồng thực hiện rất nhanh và mạo hiểm ngay trong những ngày thị trường thế giới đang biến động. Ngân hàng đại gia Lehman Brother vừa sụp đổ bên Hoa Kỳ. Phải nói cách làm việc, làm ăn của người Do Thái rất khác người và khác biệt. Tôi có kể chuyện với John lần đầu Ray qua Việt Nam, John nói với tôi rằng, thực ra ở Việt Nam mọi người còn hơi lạ với giới doanh nhân Do Thái chứ ở Hồng Kông hay ở Thượng Hải thì các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao đều biết cách phục vụ riêng cho người Do Thái. Khi hạng khách thượng lưu này đến họ đều biết cách chế biến món ăn và phòng ốc riêng cho họ. Và trong phòng khách sạn đều có lò nướng viba để họ tự nấu ăn. Hôm ở Hà Nội tại khách sạn Intercontinental West Lake, tôi phải hướng dẫn nhân viên khách sạn nướng đồ ăn cho John bằng lò nướng viba của nhà bếp cộng với giấy bạc, họ rất ngạc nhiên trước vị khách này. Tôi thấy cả Ray và John đều rất hay điện thoại về cho vợ khi đang đi làm, họ nói thường thì người Do Thái người vợ ở nhà nuôi dạy con trẻ và chồng đi làm chủ lực. Con cái hơn 18 tuổi thì tự lực cánh sinh, điều quan trọng là phải học và học mãi. Cốt cách dân tộc và di truyền tư duy của người Do Thái rất rõ ràng. Hôm John về nước phải ghé qua Hồng Kông, vì đi chuyến bay tối tới HK khoảng 12h khuya nên sợ nhà hàng Do Thái ở đó đóng cửa, ở Hồng Kông chỉ có 2 nhà hàng Do Thái. John nhờ tôi phone hỏi thử lúc đó còn chờ khách không, tôi gặp quản lý nhà hàng đó và bà ta nói rằng : “ họ sẽ đóng cửa lúc 11h30 tối nhưng họ sẵn sàng đợi ông đến 2h khuya để phục vụ”. Có như vậy mới biết service ở Hồng Kông tốt đến mức nào, tôi còn lưu tên nhà hàng đó “Mul Hayam – Glatt Kosher, 62 Mody Rd, Tsimshatsui Kowloon, HK. Tel: 852 2366 6364”.
Có rất nhiều bí quyết để người Do Thái làm giàu nhưng theo tôi sau khi tiếp xúc và làm việc với họ, tôi thấy người Do Thái mặc dù rất giàu nhưng họ rất chăm chỉ, chịu khó làm ăn, kỷ luật bản thân rất nghiêm khắc, không ăn chơi và luôn giữ chữ “ tín” với đối tác rất cao. Không bao giờ thỏa mản chính mình, họ là : “có một dạng người nghèo mà mọi người thường gọi là nghèo “rớt mồng tơi”. Họ thà làm người đứng đầu trong đội ngũ những người nghèo còn hơn là làm người đứng cuối trong đội ngũ những người giàu”. Một điểm lớn đáng để học hỏi nữa là người Do Thái cực kỳ đoàn kết khi ở nước ngoài, tinh thần tự lập tự tôn dân tộc rất cao, biết người biết mình để kết hợp kiếm tiền, làm giàu. Cái này chúng ta vẫn thua rất xa và phải học hỏi. Chính vì mạng lưới đoàn kết như vậy, nên khi thị trường thay đổi họ có thông tin rất nhanh để xoay chuyển tình thế. Qủa là đáng suy ngẩm khi một dân tộc mà từ hơn 2000 năm trước tổ quốc bị ngoại xâm, phải phiêu du khắp nơi mưu sinh, tồn tại và phát triển. Họ từng bị xua đuổi, thậm chí bị lâm vào nạn diệt chủng nhưng vẫn vươn lên thịnh vượng và giàu có như hôm nay. Cách sống và làm giàu của người Do Thái rất đáng cho Việt Nam chúng ta học hỏi.
Lê Quang Nhật - Director
AIPL Canada – Vietnam Rep
Labels:
do thai,
do thái,
nguoi do thai,
người do thái
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment