Sunday, October 21, 2012

HÌNH ẢNH PHỤC SINH TRONG CÁC THÁNH VỊNH


HÌNH ẢNH PHỤC SINH TRONG CÁC THÁNH VỊNH

Roberta L. Salvador, MM

The Bible Today,
Vol. 49, số 45, September/October 2011, tr. 279-284
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Theo nhãn quan hiện đại, sống và chết ở hai đầu đối nghịch. Chúng ta thường nghĩ về một người như một hữu thể hoặc sống hoặc chết. Người Do Thái cổ thì khác. Đối với họ, căn bệnh trầm trọng cũng đã là một phần của cái chết. Theo kinh nghiệm của họ, người bệnh nặng rất cận kề với cái chết và thực tế hầu như đã ở trong nanh vuốt của sự chết. Không chỉ riêng bệnh tật mà thôi nhưng tất cả các khía cạnh hạn chế của đời sống con người đều là những bộ mặt của sự chết. Như vậy sự chết bao gồm cả sự cằn cỗi, vô sinh, nghèo đói, âu lo, mất con, mất đất, mất sức khỏe. Người Do Thái cũng quan niệm như vậy về thiên nhiên. Thiên nhiên có thể lâm bệnh khi có hạn hán hoặc đói kém. Cuối cùng, quốc gia và cộng đồng cũng có thể bị đau buồn do chiến tranh, tai họa, kẻ thù và sự bất tuân do tội lỗi gây ra. Trong nhãn quan như thế, một cá nhân vui hưởng sự trọn vẹn của cuộc sống khi họ có con cháu, tài sản, đất đai, sức khỏe, sự kính trọng của hàng xóm láng giềng và sự mãn nguyện. Một thế giới thiên nhiên lành mạnh khi nó màu mỡ sung túc và một quốc gia lành mạnh khi sống hòa bình với láng giềng và Thiên Chúa.

Không có từ nào chỉ “sự phục sinh” trong Sách Thánh của người Do Thái hoặc các Thánh vịnh. Thánh vịnh gia nói lên niềm hy vọng khi mình được kéo ra khỏi âm phủ (Sheol), thế giới bên dưới, cũng như hy vọng rằng chính Thiên Chúa sẽ có tiếng nói cuối cùng chứ không phải sự chết. Trong bối cảnh này, ý niệm về sự phục sinh có nghĩa là vào lúc kề cận cái chết thì sự sống được phục hồi, từ bóng tối được đưa về ánh sáng, từ bệnh tật được phục hồi sức khỏe, từ đau khổ đưa về bình an. Niềm tin vào sự phục sinh là sự cậy dựa vào Thiên Chúa sẽ lên tiếng chứng nhận cho người công chính và những ai trung thành với Chúa. Trong bài này, tôi sẽ nói đến các hình ảnh về phục sinh trong các thánh vịnh nói chung và sau đó tập trung vào hai thánh vịnh 49 và 73. Tôi chọn các thánh vịnh này vì chúng diễn tả niềm hy vọng rằng khi kết hiệp với Chúa thì sẽ thắng được sự chết.

Đời sống trọn vẹn, hạnh phúc của người công chính được phác họa bằng hình ảnh cây cối, cành nho trĩu quả, những dòng suối. Thánh vịnh 1 nói: “Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Mọi việc họ làm đều thịnh đạt” (Tv 1, 3). Có những thánh vịnh so sánh người công chính với cây cối mọc gần đền thờ: “Tôi như cây ôliu xanh tươi mọc trong nhà Chúa” (Tv 52, 8-9). “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Libăng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta. già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 92, 13-15). “Nhà của Chúa”, đền thờ, Vườn Địa Đàng biểu tượng và nơi cư trú của thần thánh, tất cả đều đầy cây cối, vườn tược, suối nước chảy quanh. Người Do Thái thành tín tin rằng họ có thể gặp gỡ Chúa tại đền thờ.
Bây giờ chúng ta tập trung vào các thánh vịnh 49 và 73. Các thánh vịnh này nói lên cái nhìn về phục sinh như là được Thiên Chúa cứu thoát, và niềm hy vọng khi kết hiệp với Chúa thì sẽ vượt thắng sự chết.

Thánh vịnh 49
Thánh vịnh 49 là thánh vịnh khôn ngoan, nói lên sự hiểu biết nào đấy về đời sống con người. Thánh vịnh mở đầu bằng lời huấn dụ trịnh trọng với toàn thể thế giới và với những ai lưu tâm đến lời dạy của nó. Người nhạc trưởng loan truyền sứ điệp dưới hình thức một câu cách ngôn: “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49, 13.21). Thánh vịnh gia nói ai nấy đều phải chết. Bất kỳ bạn là người khôn ngoan, học thức hay dốt nát thì thảy đều đi về một kết thúc cuối cùng. Thế thì tại sao bạn lại khoát lác hay sợ hãi thời gian đầy hoang mang này? Thật ngốc nghếch khi ghen tỵ với người giàu có hay khoe khoang tài sản vì họ cũng sẽ phải chết và bỏ lại mớ gia sản kếch xù kia. Thánh vịnh gia phác họa một hình ảnh thật ấn tượng về cái chết như là người mục tử vội vã lùa đàn gia súc của mình về căn nhà mới, về âm phủ (Sheol).
Ý niệm “giá cứu chuộc” là tâm điểm của thánh vịnh: “Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa? Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời, Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số?” (Tv 49, 8-10). “Giá cứu chuộc” có nghĩa là một người phải đánh đổi điều này để lấy điều kia. Tại đất Do Thái cổ xưa, “giá cứu chuộc” diễn ra trong bối cảnh phụng tự. Sách Xuất Hành dạy rằng mọi giống đực đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa. Gia đình phải cứu lấy hoặc chuộc lại con giống đực đầu lòng này bằng cách dâng một con vật khác hoặc đổi bằng món tiền chuộc. Con lừa đực đầu lòng được chuộc bằng một con chiên ( Xh 13, 12-15; Ds 18, 15-17). Con trai đầu lòng được gia đình chuộc lại bằng 5 đồng shekel bạc. Phải đem con vật cứu chuộc hoặc món tiền vào đền thờ hay thánh điện. Trong thánh vịnh 49, thánh vịnh gia biết rằng xin Thiên Chúa chuộc lại đời sống con người thì đắt giá vô cùng thậm chí là vô giá vì dường như đó là điều không thể. “Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải nhìn thấy nấm mồ?” (Tv 49, 10). Số phận cuối cùng của mọi người là nấm mộ, là nhà và chốn nương náu của họ. Ai có thể thoát được nó?
Thánh vịnh như ngầm hỏi: Âm phủ (Sheol) có phải là đích đến cuối cùng không? Thánh vịnh gia dường như không tin điều đó. “Nhưng Chúa Trời sẽ chuộc mạng tôi, gỡ tôi ra khỏi quyền lực âm phủ”. Ai sẽ trả giá cứu chuộc, lấy mạng sống đổi mạng sống hoặc trả một món tiền cao đến không thể có được? Thánh vịnh đưa ra câu trả lời: Thiên Chúa sẽ cứu chuộc con người, “vì Chúa Trời sẽ chuộc mạng tôi” (c. 16). Động từ này trong tiếng Do Thái dịch chính xác là “Ngài sẽ nắm lấy (tôi)”. Nghĩa của câu này hoàn toàn không rõ ràng. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng Thiên Chúa sẽ nắm lấy để lôi con người ra khỏi âm phủ. Số phận cuối cùng của con người không phải là âm phủ mà là ở với Chúa, Đấng đã nắm lấy con người ra khỏi đó. Sự phục sinh trong thánh vịnh 49 có nghĩa là Thiên Chúa cứu chuộc con người khỏi nanh vuốt Tử Thần và kéo con người ra khỏi âm phủ để ở với Chúa. Mặc dù cái chết là định mệnh của mọi người phải chết nhưng quyền năng Chúa còn lớn lao hơn sự chết.

Thánh vịnh 73
Thánh vịnh 73 là thánh vịnh muộn thời, được viết sau khi Đền thờ bị phá hủy và có lẽ sau thời lưu đày. Thi sĩ đang nói từ trong cộng đồng của người Do Thái. Ông kinh nghiệm cay đắng đến tận xương tủy về đền thờ bị phá hủy và cuộc lưu đày. Từ đầu tiên của sách Ai Ca là ’êkah, “làm sao!” “Làm sao Chúa lại cho phép điều này xảy ra chứ?”. Câu hỏi này cũng có thể là bối cảnh của thánh vịnh. Thánh vịnh 73 là thánh vịnh đầu tiên trong các thánh vịnh của Asaph, một trong ba nhạc trưởng của ban nhạc Đền thờ.
Thánh vịnh 73 được gọi là thánh vịnh khôn ngoan vì nó chứa những yếu tố sư phạm. Thánh vịnh nói về một người trong cộng đoàn Do Thái và tự xem mình là người có “tâm hồn trong sạch”. Ông bị cám dỗ bỏ đường ngay nẻo chính vì nhìn thấy và thầm ghen tức với vận may của ác nhân. Ông thấy bọn ác nhân ngạo nghễ, bạo tàn và ức hiếp. Chúng “xúc phạm trời cao”, nghĩa là “chống lại Thiên Chúa”. Chúng phây phây chẳng bận tâm đến việc Chúa biết hay không biết đến hành động ác nhân của chúng. Bất luận thế nào thì chúng cũng vẫn không bị phạt mà ngày càng giàu mạnh. Sự mâu thuẫn này khiến ông khó chịu. Ông tra vấn lối sống của người thanh sạch: “Lạy Chúa, như thế là con đã uổng công giữ lòng trong trắng, giữ tay thanh sạch! Suốt ngày con bị đòn bị đánh, mỗi sớm mai hình phạt sẵn chờ” (Tv 73, 13-14). Ông đã trung thành với Chúa vậy mà đời sống của ông như một hình phạt. Nhưng đồng thời ông cũng biết rằng nếu ông xúc phạm đến Chúa như bọn ác nhân đã làm thì ông đã thất trung với bao thế hệ trung tín nối tiếp nhau. Cho đến khi vào trong thánh điện Thiên Chúa ông mới hiểu ra (c. 17). Thánh vịnh nói mập mờ về bản chất của sự hiểu biết này. Song điều rõ ràng là thi sĩ đã kinh nghiệm về Thiên Chúa, một kinh nghiệm thay đổi cái nhìn của ông về đời sống. Ông tiếp tục nhận ra rằng vận mệnh cuối cùng của ác nhân hoàn toàn khác với sự sang giàu của chúng trên mặt đất này. Chúng “rơi vào cảnh điêu tàn”, “nơi trơn trượt” ở Thế giới bên dưới. Chúng “kinh hoàng”, “sụp đổ”, “cuốn mất cả tăm hơi!” (c. 19). Thánh vịnh gia lại có thêm một mạc khải thứ hai. Ông nhận ra rằng những ai tra vấn trí khôn của Thiên Chúa thì thật “ngu si” và là kẻ “chẳng hiểu gì” (c. 22). Thiên Chúa vẫn ở với người ấy trọn cả đời sống: “Thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời, dắt dìu khuyên nhủ bao lời, một mai đưa tới rạng ngời quang vinh” (cc. 23-24). Giống như thánh vịnh 49, thánh vịnh 73 diễn tả sự phục sinh như là ở với Chúa và được Chúa nắm lấy tay. Thánh vịnh kết thúc bằng lời kinh tín thác.

No comments:

Post a Comment