Monday, October 22, 2012

VÀI SUY NGHĨ NHỎ VỀ MỘT NỀN VĂN MINH LỚN

VÀI SUY NGHĨ NHỎ VỀ MỘT NỀN VĂN MINH LỚN
Khi bàn về các nền văn minh lớn thời thượng cổ, người ta thường nhắc đến Trung Quốc, Ấn Độ, Babylon, Ai Cập. Thực ra, văn minh Hebrew mới đáng được chú ý nhất, song trước đây do bị ghép vào trong nền văn minh Babylon nên chưa được tìm hiểu và đánh giá đúng mức. Thiếu sót này khiến người ta khó có thể nhận thức toàn diện về văn minh phương Tây – nền tảng của văn minh hiện đại.
Sơ qua lịch sử dân tộc Hebrew
Người Hebrew (nay gọi là Do Thái) là một tộc người Semite, sống du mục ở tây nam bán đảo Arập thuộc châu Á, trong thiên niên kỷ III BC di rời đến miền Bắc Mesopotamia. Khoảng năm 1800 TCN, tộc trưởng Abraham dẫn họ vượt sông Euphrates và đồng cỏ Syria đến vùng Canaan (sau gọi là Palestine) sinh sống, làm nghề nông. Về sau do nạn đói, họ phải sang lánh nạn ở Ai Cập 400 năm ; thời kỳ cuối họ bị vua Ai Cập ghen ghét và ngược đãi. Giữa thế kỷ XIII TCN, Moses lãnh đạo dân Hebrew trốn khỏi Ai cập trở về Canaan mà họ coi là tổ quốc. Dọc đường, Moses lên núi Sinai nhịn ăn 40 ngày tu hành, lúc xuống tuyên bố là đã gặp Thượng Đế, được ban cho 10 điều răn, từ đó đạo Do Thái chính thức có giáo lý và các quy ước. Trong thời gian người Hebrew ở Ai Cập, xứ Canaan bị người Philistin (sau này gọi là Palestine) chiếm; khi người Hebrew về đây, hai bên đánh nhau, Hebrew thắng, lập vương quốc, tồn tại được hơn 400 năm (1028-586 TCN). Thời kỳ đầu, Saul, David, Solomon nối nhau làm vua, đất nước giầu mạnh. Từ năm 933 TCN, chia rẽ làm 2 nước là Israel và Judah, trở nên suy yếu. Năm 722 BC, Israel bị Assouri chiếm. Năm 586 TCN, Judah bị Babylon chiếm và bắt nhiều người Hebrew về Babylon tù đày. Năm 538 TCN, Ba Tư thắng Babylon và tha cho người Hebrew về Canaan. Năm 332 TCN, Hy Lạp thắng Ba Tư chiếm đất Canaan, nô dịch dân Hebrew. Năm 63 TCN, đế quốc La Mã chiếm Canaan, cai trị tàn khốc. Dân Hebrew nhiều lần khởi nghĩa đều thất bại, từ năm 135 người Hebrew mất nước phải sống lưu vong. Năm 1948, Liên Hợp Quốc quyết định thành lập 2 nước riêng của người Israel và của người Palestine trên mảnh đất Canaan ngày xưa. Từ đó người Israel mới có tổ quốc. Nhưng người Arập chống lại, hai bên xung đột liên miên cho tới nay.
Một tôn giáo đầy chất trí tuệ
Đạo Do Thái ra đời khoảng năm 2000 TCN từ truyền thuyết Abraham được Thượng Đế Jehovah hứa cho người Do Thái sở hữu mảnh đất Canaan, đổi lại họ phải mãi mãi thờ một thần duy nhất là Jehova. Quan điểm nhất thần giáo ấy tỏ ra có lô gic hơn hẳn các tôn giáo cùng thời của nhiều dân tộc khác (đều là đa thần giáo hoặc bái vật giáo). Đối tượng thờ của đạo Do Thái là Thượng Đế – một sức mạnh siêu nhiên toàn năng tối thượng được nhân cách hoá, đấng sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài – tức Tạo Hoá. Như vậy Thượng Đế cao hơn hẳn bất cứ vật hoặc người nào. Niềm tin vào một đối tượng cao tuyệt đối và trừu tượng như thế rõ ràng có lô gic và sức mạnh vững chắc hơn hẳn niềm tin vào các đối tượng thấp và cụ thể (là vật hoặc người). Ngày ấy, một số dân tộc thờ rất nhiều thần, thần nào cũng giống con người, nghĩa là cũng có các mặt tốt xấu – quan điểm này thật đáng yêu, nhưng thiếu lô gic, và tỏ ra ngây thơ, đơn giản. Có thể nói tư duy tín ngưỡng của người Do Thái ở trình độ rất cao, có tính khoa học : khi chưa giải thích được nguồn gốc vũ trụ thì con người buộc phải thừa nhận đó là sự sắp đặt của một sức mạnh siêu nhiên trừu tượng (có lẽ vì thế mà ngày nay các nhà khoa học và chính khách nhiều nước vẫn đi lễ nhà thờ).
Đặc biệt, quan điểm lập giao ước giữa dân tộc Do Thái với Thượng Đế Jehova lại càng khiến ta kinh ngạc. Theo giao ước, Thượng Đế có nghĩa vụ ưu ái giúp người Do Thái, ngược lại, họ phải tuân theo các yêu cầu của Thượng Đế. Mối quan hệ như vậy thật là sòng phẳng, bình đẳng, chẳng có gì là mê tín dị đoan! Trong lần giao ước đầu tiên (với Abrraham), để được vĩnh viễn được hưởng toàn bộ xứ Canaan, người Do Thái phải mãi mãi thờ Thượng Đế; và giao ước này phải vĩnh viễn lập trên cơ thể người Do Thái bằng cách họ phải chịu nỗi đau cắt da bọc đầu bộ phận sinh dục nam. Tộc trưởng Abrraham đã 85 tuổi cũng phải “gương mẫu” cắt da trước tiên rồi đến tất cả nam giới trong bộ tộc – để đánh dấu họ đã lập giao ước với Thượng Đế. Tục cắt da này được thực hiện cho tới ngày nay.
Trong lần giao ước thứ 2, khi bộ lạc Do Thái do Moses dẫn đầu đang gặp nguy cơ thất bại trên đường trốn khỏi Ai Cập, Jehova hứa giúp người Do Thái đi thoát khỏi Ai Cập; đổi lại, họ phải thực hiện 10 lời răn; 3 điều đầu tiên là cấm thờ ai khác ngoài Jehovah, 7 điều sau là: - làm việc được 6 ngày thì phải nghỉ 1 ngày; - phải hiếu kính cha mẹ; - cấm giết người; - cấm gian dâm; - cấm trộm cắp; - cấm làm chứng sai sự thật để hại người khác; - không được ham muốn nhà đất, vợ, nô lệ và tài sản của người khác. Từ giao ước này, đạo Do Thái có các quy chế tôn giáo chính thức, về sau phát triển thành một bộ luật hoàn chỉnh gồm hơn 600 điều giới luật chi tiết.
Qua các giao kèo kể trên ta có thể suy ra: các tộc trưởng đã sử dụng nhân vật tưởng tượng Jehova để yêu cầu toàn bộ tộc phải tự giác chung một niềm tin, sống có đạo đức, theo luật pháp, chịu trách nhiệm trước cộng đồng và tin vào tương lai dân tộc. Tính tự giác cao độ ấy khiến cho dân tộc này có khi không cần ai lãnh đạo vẫn đoàn kết chặt chẽ, lao động và chiến đấu đều giỏi. Việc tự cho mình được Thượng Đế ưu ái chứng tỏ dân tộc này ý thức được các phẩm chất ưu việt của mình. Niềm tin vào một đấng quyền năng tối cao dễ đoàn kết mọi người, tạo ra sức mạnh. Nhờ vậy mà dân tộc Do Thái dù ít người mà vẫn chiến thắng các đối thủ đông hơn, dù phiêu bạt từng nhóm nhỏ khắp thế giới suốt gần 2000 năm nhưng vẫn giữ được dòng giống, ngôn ngữ, tôn giáo, tập quán. Ngoài họ ra, có lẽ chưa dân tộc nào làm được như vậy.
Di sản phi vật thể vô giá
Văn minh Hebrew không để lại những kiến trúc nổi tiếng như Kim tự tháp, điện Pantheon hoặc Vạn lý Trường thành, nhưng nó lưu lại mãi mãi một di sản phi vật thể vô giá mà ít có nền văn minh nào có thể sánh được về tầm ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc đối với văn minh toàn nhân loại. Đó là Kinh điển Hebrew – bộ sách chép lịch sử dân tộc Hebrew, tức người Do Thái thời cổ – về sau được gọi là Cựu ước trong Kinh Thánh của đạo Ki Tô (để phân biệt với Tân ước).
Cái tên Kinh Thánh là do người Trung Quốc (TQ) đặt ra, mang mầu sắc thần thánh, dễ khiến người ta hiểu lầm nó chỉ là sách của Ki Tô giáo; người TQ biết gọi thế là không đúng nhưng do đã quen nên khó sửa; ta theo TQ nên cũng thế. Thực ra tên ban đầu của nó theo tiếng Hy Lạp là Biblia, nghĩa là Sách (tiếng Anh: The Bible, tiếng Nga: Bibliya); tiếng La Tinh là Scriptura tức Tác phẩm viết (Trước tác), chẳng ai gọi là Kinh Thánh cả. Biblia là bộ sách kinh điển của toàn nhân loại, có giá trị lớn về lịch sử, pháp luật, văn học, khoa học, y học v.v.. ; ai cũng cần đọc sách này nếu muốn hiểu nền văn minh cổ của thế giới. Để biên soạn Kinh điển Cựu ước, tầng lớp tinh hoa người Hebrew như các thầy tư tế và văn nhân đã bỏ ra hơn 200 năm (thế kỷ VI - II TCN), dùng ngôn ngữ Hebrew thuật lại đời sống chính trị, kinh tế, tôn giáo, pháp luật, văn học nghệ thuật v.v... của dân tộc họ trong suốt thời kỳ từ xã hội thị tộc cho đến xã hội nô lệ. Nội dung sách còn hấp thu tinh hoa văn hoá của các dân tộc Arập cùng ngữ hệ Semite và cùng sống chung tại vùng Trung Đông; nhờ thế mà mấy trăm năm sau, Kinh điển Hebrew được đạo Ki Tô và đạo Islam (ta gọi nhầm theo TQ cũ là đạo Hồi; từ 1955 TQ đã sửa là Islam) tiếp thu, qua đó văn hoá Hebrew tác động lên hơn 3 tỷ tín đồ của 2 tôn giáo này hiện nay.
Đạo Ki Tô đã tiếp thu toàn bộ Kinh điển Hebrew (Cựu ước) để làm nên Kinh Thánh Ki Tô giáo. Trong 100 năm đầu, các tín đồ Ki Tô giáo coi Cựu ước là Kinh Thánh duy nhất của họ. Mãi đến giữa thế kỷ II, Tân ước mới ra đời. Nó được viết bằng văn tự Hy Lạp, ghi chép sự tích của Chúa Jesus và các tông đồ, cũng là một đoạn lịch sử của dân tộc Do Thái. Cựu ước có giá trị thẩm mỹ văn học cao cho nên tác động lớn đến đời sống văn hoá của nhân loại; Tân ước có giá trị tôn giáo lớn cho nên được đạo Ki Tô truyền bá rộng hơn. Kinh Thánh đã được dịch ra hơn 1800 thứ ngôn ngữ và phát hành với số lượng lớn nhất khắp năm châu suốt ngót 2000 năm qua, trở thành kho tàng văn hoá vô giá của nhân loại, nguồn đề tài vô tận của các tác gia văn học, nghệ thuật, triết học, lịch sử v.v... toàn thế giới. Theo thống kê, các tác phẩm của Marx và Engels đã trích dẫn hơn 300 lần và hơn 80 nhân vật trong Kinh Thánh.
Đạo Islam ra đời hồi thế kỷ VII cũng chịu ảnh hưởng của giáo lý đạo Do Thái và đạo Ki Tô, thừa nhận Abraham, Moses và Jesus là tổ tiên của tôn giáo mình, nhưng coi Mohamad là nhà Tiên tri vĩ đại hơn. Nhiều truyền thuyết trong Kinh Coran tương tự như trong Kinh Thánh của người Hebrew.
Các nội dung chính trong văn minh Hebrew gồm các Kinh điển (Kinh Thánh, Nguỵ thư v.v...), Sách Tiên tri, thần thoại, tôn giáo, phong tục tập quán, luật pháp, sử học, văn học nghệ thuật đều vô cùng phong phú và có ảnh hưởng cực lớn đối với nền văn minh phương Tây có nguồn gốc là văn minh Hy Lạp, La Mã. Xứ Canaan và Hy Lạp, La Mã đều nằm trên bờ biển Địa Trung Hải, cách nhau không xa, từ sớm đã có sự giao lưu văn hoá với nhau. Trong mấy trăm năm Hy Lạp cai trị Canaan, văn hoá Hy Lạp giao lưu hoà trộn mạnh mẽ với văn hoá Hebrew. Cuối cùng, sự kết hợp đó sinh ra một nền văn hoá mới – văn hoá Ki Tô giáo. Đến thế kỷ IV, đạo Ki Tô được đế quốc La Mã thừa nhận, từ đó văn hoá Hebrew-Ki Tô giáo bắt đầu phát triển mạnh. Về sau, nó kết hợp với các yếu tố khác làm nên văn hoá Trung Thế kỷ và sau nữa là văn hoá thời kỳ Văn nghệ Phục hưng rực rỡ nhất của văn minh châu Âu cận đại. Đặc biệt năm 1611, Kinh Thánh được dịch ra tiếng Anh, và từ đó dễ dàng dịch ra các ngôn ngữ khác, nhờ vậy sách này được truyền bá rộng rãi hơn bao giờ hết. Tóm lại, nhờ được đạo Ki Tô thừa kế mà văn hoá Hebrew đã thấm sâu vào văn hoá phương Tây. Kinh Thánh trở thành nguồn cảm hứng làm nên nhiều tác phẩm, kể từ tiểu thuyết, thơ, kịch, ca nhạc cho tới hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc v.v... Kiệt tác nghệ thuật điêu khắc - pho tượng David của Michelangelo lấy tích là chàng trai David chiến thắng người khổng lồ Goliath. Sử thi “Thần khúc địa ngục” của Dante, tiểu thuyết “Jane Eyre” của Charlotte Bronte, nhiều tác phẩm của L.Tonstoi, Shakespeare, Hemingway, Kafka ... cũng lấy điển tích trong Kinh Thánh. Nhà thơ Liên Xô Blok khi viết bài thơ “12” đã lấy 12 tông đồ chúa Jesus làm hình ảnh 12 chiến sĩ cận vệ đỏ. Trên thế giới đã hình thành một ngành nghiên cứu Kinh Thánh với nhiều học giả nổi tiếng, hoạ sĩ chuyên vẽ tranh lấy điển tích trong Kinh Thánh.
Văn hoá Hebrew là bộ phận đặc sắc trong văn hoá phương Đông. Kinh Thánh đã ảnh hưởng đến nhiều nền văn hoá phương Đông. Chính thống giáo (tách ra từ Ki Tô giáo) với trung tâm là thủ đô Constantinople của đế quốc Byzantin từng thống trị hơn 1000 năm một vùng đất rộng bao la bao trùm cả 3 châu Á, Âu, Phi, đã ảnh hưởng không ít đến 3 châu lục này. Năm 635, Kinh Thánh truyền bá đến Trung Quốc của nhà Đường và được dịch ra chữ Hán. Đời Tống, ở Khai Phong đã có nhà thờ đạo Do Thái. Ngày càng nhiều tác phẩm văn học phương Tây được dịch sang chữ Hán đã góp phần xúc tiến ảnh hưởng của văn hoá Hebrew ở Trung Quốc. Việc truyền bá kinh Coran của đạo Islam rộng rãi trong thế giới A Rập và châu Á cũng góp phần truyền bá văn hoá Hebrew. Văn hoá Ki Tô giáo cũng tác động nhiều đến đời sống tinh thần của người Ấn Độ, Philipines, Indonesia. Từ thế kỷ XVI, đạo Ki Tô lan đến Nhật, ảnh hưởng không nhỏ đến văn học nghệ thuật nước này.
Một dân tộc tài hoa chịu nhiều tai ương
Từ lịch sử người Do Thái, ta thấy dân tộc này tuy rất nhỏ nhưng có tư duy độc đáo, giầu tính lôgic. Nhiều sáng tạo của họ được cả thế giới chấp nhận. Chẳng những làm nên nền văn minh huy hoàng nói ở trên, mà họ còn cống hiến cho nhân loại nhiều thiên tài như Einstein, Freud, Heine, Kafka, Marx v.v... – tư tưởng siêu phàm của một số vị ấy từng làm thay đổi lịch sử thế giới. Ngày nay người Israel đang dẫn đầu về khoa học kỹ thuật; ai cũng biết các phát minh mới nhất về công nghệ gien và máy tính phân tử của họ. Nhiều người gốc Do Thái chiếm vị trí quan trọng trong giới khoa học và kinh doanh trên khắp thế giới. Một dân tộc tài giỏi thế mà 2 nghìn năm qua không có tổ quốc, phải sống phiêu bạt phân tán khắp năm châu, ở đâu cũng không được yên thân. 6 triệu người Do Thái bị phát xít Đức giết trong Đại chiến II. Mãi cho đến tháng 5-1948 họ mới được chia cho một mảnh đất nhỏ bé để lập quốc gia 1 triệu dân của mình. Đất nước này chưa bao giờ được hưởng một ngày hoà bình. Chẳng rõ tại sao tư tưởng bài Do Thái lại tồn tại ở khá nhiều nơi, kể cả ngoài Trung Đông.
Hồi ở Moskva, có một cặp sinh viên nam nữ Liên Xô thỉnh thoảng đến chơi với tôi. Thấy thế, một hôm anh bạn nghiên cứu sinh người Nga cùng phòng hỏi tôi với vẻ khó chịu: “Tại sao cậu lại chơi với bọn Do Thái ấy?” Tôi ngạc nhiên: “Tớ cứ tưởng họ là người Nga... Mà người Do Thái thì sao nhỉ?” Bạn tôi nhún vai không trả lời. Tôi nhớ đến Rêbecca trong Aivanhô, cô gái xinh đẹp và thánh thiện ấy thật tội nghiệp chỉ vì có ông bố Do Thái đi đâu cũng bị người khác khinh ghét. Một dân tộc lương thiện, tài giỏi thế mà lại bị một số người dân tộc khác hắt hủi, phải chăng đó là do bản năng đố kỵ của con người? Phải chăng tư tưởng bài Do Thái đã khiến người ta ngại tìm hiểu và giới thiệu nền văn minh Hebrew, và do đó đánh giá chưa đúng vai trò của nền văn minh ấy?
Muốn tìm hiểu văn hoá Hebrew tất phải đọc Cựu ước. Đáng tiếc là tôi không tìm đâu ra bản tiếng Việt, cuối cùng chỉ mượn được tập Bibliya tiếng Nga, gồm cả Cựu và Tân ước, trong đó Cựu ước chiếm hơn 2/3 số trang. Sách Tân ước bản tiếng Việt tôi mượn của một Ki Tô hữu, ngoài bìa đề “Toà Tổng Giám mục Hà Nội và Nhà Xuất bản Hà Nội” đồng xuất bản, nhưng không thấy bán ở hiệu sách. Nếu thừa nhận Kinh Thánh là di sản văn hoá chung của thế giới, là nguồn tư liệu vô giá để nghiên cứu lịch sử văn minh loài người, thiết nghĩ việc xuất bản và phát hành công khai một bộ sách như thế là hữu ích và cần thiết đối với tất cả chúng ta.

No comments:

Post a Comment