Saturday, October 20, 2012

Lịch sử Bài học Israel KẾT BÀI HỌC ISRAËL


Lịch sử Bài học Israel KẾT BÀI HỌC ISRAËL

Tinh thần Kibboutl
Nhiều người đã bảo Israel là một phép màu của thế kỷ XX (1). Nó đúng là phép màu, phép màu tới ba lần: một dân tộc mất tổ quốc, phiêu bạt non hai ngàn năm, đa số đã nhập tịch các quốc gia khác mà vẫn giữ được truyền thống rồi chỉ nhờ một cuốn sách mỏng, cuốn “Quốc gia Do Thái” của Herzl mà lòng phục hồi tổ quốc bừng bừng lên, gây nổi một phong trào tranh đấu để hồi hương: một lần phép màu: họ hồi hương từng nhóm nhỏ một, đã chịu bao cảnh gian nan trên đường về lại bị bao cảnh đàn áp khi tới chỗ, mà một mặt chống cự được với thực dân Anh, một mặt chiến thẳng được liên quân của mấy chục triệu dân Ả Rập ở chung quanh, bắt thế giới phải thừa nhận nền độc lập của mình: hai lần phép màu; mới im tiếng súng, họ vừa lo kiến thiết quốc gia vừa lo tiếp nhận và định cư những đồng bào từ bốn phương tới, và mười tám năm sau (1967) họ thực hiện được biết bao kỳ công: định cư cho trên một triệu đồng bào, hồi sinh cho một tử ngữ, thắng liên minh Ả Rập hai lần một cách chớp nhoáng, tạo một nền canh nông tiến bộ hơn của Pháp, sáng lập mấy hình thức kinh doanh nông nghiệp mới mẻ làm cho cả thế giới phải chú ý: ba lần phép màu. Mà mới đầu họ chỉ có trên nửa triệu người ở trên một khu đất rộng bằng ba tỉnh của nước ta, một nửa lại là sa mạc. Sao mà họ tài được như vậy?
Chả trách các quốc gia chậm tiến châu Phi đều hướng cả về Israel để rút kinh nghiệm mà cũng để tìm một niềm tin, như hồi xưa các nước phương Đông chúng la hướng về Nhật Bản. Dĩ nhiên Israel không bỏ lỡ cơ hội đó để gây uy thế và tình cảm.
Cũng như Moscow, cũng như Bắc Kinh, Jérusalem đã có một Viện Á Phi. Cũng như Mỹ, Anh, Pháp, Israel viện trợ kỹ thuật và đôi khi cả tiền bạc cho các nước Á, Phi.
Họ lựa 500 dụng ngữ Hébreu cần thiết, một thứ tiếng Hébreu căn bản, để dạy người ngoại quốc.
Từ ngữ đó mới hồi sinh độ mươi năm đã muốn tranh giành ảnh hưởng với Anh ngữ, Pháp ngữ, khí hùng ngùn ngụt. Họ mời các chính khách châu Phi tới thăm xứ họ.
Họ giúp Nigeria, Libéria, Ethiopie. Ghana trong việc dẫn thuỷ nhập điền, nông lâm, mục súc; rồi cất trường học, đóng tàu, gởi chuyên viên qua Miến Điện học cách tổ chức Mochav Ovedim của họ; Tchad, Congo ký hiệp ước kinh tế và văn hoá với họ. Năm 1959, mười năm sau khi họ độc lập, đã có 450 nhân viên Á, Phi qua tu nghiệp ở Israel, năm sau 1960, số đó tăng lên tới 1.000!
Một nhân viên châu Phi qua học tại viện Á, Phi sáu tháng, tuyên bố:
- Thí nghiệm Do Thái là một bài học cho người Phi chúng ta. Nhờ tận lực làm việc mà xứ đó đã giành được độc lập về chính trị rồi độc lập về kinh tế.
Một vị bộ trưởng Ghana cũng bảo:
- Nhờ lòng can đảm, lòng kiên trì mà dân tộc Do Thái đã tìm được một giải pháp cho những vấn đề đương làm cho người Phi chúng tôi bối rối. Chúng tôi bắt đầu áp dụng phương pháp của họ. Tôi phục Jean Jacques Rousseau là biết nhìn xa.
Năm 1762, trên một trăm năm trước khi cuốn “Quốc gia Do Thái” ra đời, Jean Jacques Rousseau đã viết:
“Trong cảnh phiêu tán khắp thế giới, người Do Thái hiện nay không thể tuyên bố cho nhân loại chân lý của chính họ. Nhưng tôi tin rằng khi họ lại có được một Cộng hoà tự do, có trường Tiểu học, Đại học của họ, thì họ có thể yên ổn diễn các ý nghĩ của họ, và lúc đó chúng ta lại học được nhiều điều mà dân tộc đó còn muốn nói với chúng ta!”.(2)
Thật đáng là một lời tiên tri.
***
Bài học của họ, ngày nay họ đã truyền bá cho nhân loại rồi đấy.
Họ bảo ta rằng những cuộc tàn sát bằng những phát minh mới nhất của khoa học, dù có hệ thống, có tổ chức, rùng rợn đến mức nào đi nữa cũng không thể diệt được một dân tộc nếu dân tộc đó không tự diệt mình mà cương quyết muốn sống.
Càng gian nan, cực khổ, tủi nhục thì tinh thần ta càng được tôi luyện. Càng bị đày vào chỗ chết thì ta càng mau kiếm được lối sống. Cửa sinh ở ngay trên con đường cửa tử.
Mà cửa sinh đó của dân tộc Do Thái là cái tinh thần của họ, mà tôi gọi là tinh thần Kibboutz.
Tinh thần đó không phải chỉ là lòng can đảm, kiên nhẫn, tận lực như các nhân vật châu Phi kể trên đã nói.
Nó còn là tinh thần mạo hiểm, tiên khu, mạo hiểm vượt qua rừng núi, sa mạc, biển cả, xung phong vô phá tung các cửa ải của Thổ, của Anh để thành lập những Kibboutz đầu tiên tại những miền đồi sỏi hoặc đầm lầy, mà mở đường cho lớp sau.
Nó còn là tinh thần cộng đồng, không vị kỷ trong các Kibboutz, sát cánh nhau cùng chịu mọi gian nan, không mong hưởng một chút gì cho mình, như vậy suốt đời cha tới đời con, đời cháu.
Nó còn là tinh thần giản dị, sống rất đơn sơ, chỉ cần đủ ăn, đủ mặc, việc gì cũng làm lấy, coi trọng công việc tay chân, nhũn nhặn một cách rất tự nhiên, không ham địa vị, quyền thế.
Tinh thần Kibboutz đó người trên làm gương cho người dưới.
Tổng thống thứ nhì của Israel, ông Ben-Zvi chỉ sống trong một biệt thự như những biệt thự trung bình ở Sài gòn, chỉ có mỗi một người lính gác cửa, và ngày nghỉ đôi khi đi dạo phố mà không cần lính hộ vệ, ai chào ông thì ông chảo lại, y như một thường dân.
Lương tổng thống Israel chỉ được 100.000 quan cũ mỗi tháng (khoảng 15.000 đồng Việt Nam theo hối suất tự do hồi đó) và quỹ đen của ông chỉ có 2.000 quan cũ mỗi tháng để tiếp khách khứa: số tiền đó chỉ đủ mua nửa ve Cognac.
Thủ tướng Ben-Gurion đã ngoài bảy chục tuổi, mái tóc bạc phơ mà làm việc suốt ngày, nhà cũng chỉ có mỗi một người gác, khi nào có khách mới mướn thêm một người ở gái giúp việc. Bà vợ phải làm mọi việc nội trợ, và có lần một ký giả Pháp thấy ông quàng tắm khăn lá đáp ( tablier) rửa ly tách giùm cho vợ.
Một lần bà phàn nàn rằng nhờ người lính gác lại tiệm lấy sữa giùm mà người ấy từ chối, cho việc đó không phải là phận sự của anh ta, ông bảo anh đó có lý rồi âu yếm khuyên bà chịu khó làm mọi việc lấy, đừng nhờ cậy gì ai cả. Khi mãn nhiệm kỳ thủ tướng, ông về một Kibboutz ở sa mạc Neguev sống chung với thanh niên, ăn chung bàn với họ, trong những chiếc gà mên như họ, viết sách, nuôi cừu và tập Judo mỗi ngày. Báo Candide năm 1966 in hình ông trồng cây chuối: đầu và tay chống xuống đất, chân đưa lên trời; lúc đó ông đã tám chục tuổi.
Moshé Dayan, vị anh hùng Do Thái, 40 tuổi đã làm Tổng tham mưu trưởng, chỉ được lãnh 100.000 quan cũ mỗi tháng, mà khi nào ăn ở trong trại thì bị trừ lương, chỉ còn đem về 18.000 quan. Sau khi đại thắng Ai Cập ở Sinai năm 1956, ông xin từ chức, về sống đời thường dân, cắp sách lại Đại học học môn khảo cổ. Có hồi ông làm Bộ trưởng Canh nông và năm 1967, dân chúng một mực mời ông ra kỳ được để làm Bộ rrưởng Bộ quốc phòng đối phó với liên quân Ả Rập.
Bà Gonga Meyerson được cử làm sứ thần Do Thái đầu tiên ở Nga (Nga là nước thứ nhì nhìn nhận Quốc gia Israel, sau chống lại Israel, trợ cấp cho các quốc gia Ả Rập) vừa ở bệnh viện ra, qua Nga liền, không may thêm một chiếc áo mới nào, chỉ đeo thêm một sâu chuỗi bằng hột đá của bạn cho, mà vào trình uỷ nhiệm thư, làm cho nhà cầm quyền Nga phải kính nể.(3)
Người trên như vậy cho nên người dưới cũng đáng cho chúng ta phục. Thanh niên của Israel làm việc mười giờ một ngày mà không cần tiền công và có những nhà trí thức, cử nhân triết học, lái tắc xi ở châu thành, hoặc lái máy cày trong đồng ruộng. Trên dưới giữ phép nước cho nên ít cảnh sát mà ai cũng tôn trọng luật đi đường, không chạy quá 70 cây số một giờ, gần như không có tai nạn.
Ông Klatzmann (trong sách đã dẫn) tới Kibboutz nào cũng gặp những người mà tinh thần “ở trên mực trung”. Như N… ban ngày cày ruộng, ban đêm lén chế tạo khí giới ở trong một cái hầm, hồi chiến tranh Độc lập dự các cuộc chiến đấu; hoà bình trở lại, trở về Kibboutz nuôi bò, mặc dầu quen tất cả các nhân vật quan trọng trong chính quyền vì cùng là chiến sĩ với nhau cả.
P… một phụ nữ gốc Ba Lan, trong thế chiến may thoát được trại giam của Đức, lẻn về Palestine bị Anh bắt giam ở đảo Chypre; trong khám bà quyết chí học tiếng Hébreu trong một cuốn tự điển. Có người hỏi bà tiếng đó rất khó, không có nguyên âm, làm sao mà học được, bà đáp: Học bằng nước mắt!
Một hội viên Kibboutz nọ, làm giám đốc một xưởng chế tạo sản phẩm hoá học ở Haifa, sáng đi làm, chiều về làm mọi việc trong Kibboutz, tiền lương nộp Kibboutz hết. Một công chức cao cấp ở Bộ canh nông cũng vậy.
Chính tinh thần Kibboutz đó là yếu tố thành công của Israel. Các quốc gia chậm tiến Á Phi đương học kinh nghiệm của Israel, không biết có học được tinh thần Kibboutz của họ không; nếu không thì cũng như không học được gì cả!
Chú thích:
1- A. Koestler trong Analyse d'un miracle - Calman Levy; François Musard trong Israel, miracle du XXe sie2cle - Téqui.
2- David Catirivas trích trong Israel, sách đã dẫn, trang 170
3 - Chả bù với bọn chính khách của nhiều nước Á Phi khác. Một tổng thống một nước nọ ở Phi Châu, dân số không tới ba triệu mà sai chở đá hoa từ Ý qua để xây dựng cung điện cho được đẹp như cung điện Versailles, lại sai đúc một chiếc giường bằng vàng khối cho bà vợ. Ở nước ta một chính khách nọ mới được hứa cho đi nhậm chức đại sứ ở Tây phương đã vội may sắm cho mình và "phu nhân" nửa triệu bạc quần áo và đồ trang sức. Càng ti tiểu, người ta càng giữ thể diện, càng nghèo người ta càng hoa hòe

No comments:

Post a Comment