Saturday, October 20, 2012
Lịch sử Bài học Israel Chương V CÁC ĐỢT HỒI HƯƠNG
Lịch sử Bài học Israel Chương V CÁC ĐỢT HỒI HƯƠNG
Đợt hồi hương đầu tiên
Lời của Stefan Zweig rất đúng: sức mạnh tư tửơng của một cá nhân lẻ loi là Herzl đã làm hồi sinh cả một dân tộc. Muốn biết sức mạnh đó ra sao ta chỉ cần so sánh đợt hồi hương đầu tiên với đợt thứ nhì của người Do Thái.
Đợt đầu tiên xảy ra vào khoảng 1880. Hầu hết là những người Do Thái Nga và Ba Lan chịu không nổi cách đối xử tàn nhẫn của nhà cầm quyền mà trở về Palestine để được chết trên đất tổ tiên. Đợt đó gồm hai mươi bốn ngàn người mà dân Ả Rập ở Palestine hồi ấy vào khoảng năm, sáu trăm ngàn người.
Họ phải mạo hiểm và chịu cực khổ ghê gớm. Độc giả mở bản đồ châu Âu ra tìm con sông Vistule ở Ba Lan hay con sông Volga Nga rồi tưởng tượng họ một ngày nọ, phải bỏ nhả bỏ cửa trên bờ những con sông đó, vĩnh biệt cha mẹ, họ hàng rồi vượt rừng vượt núi, qua thác qua đèo, cứ đêm đi ngày nghỉ, may gặp nhà đồng bào thì còn có chỗ trú chân, không may thì phải chui rúc, trốn tránh trong hang hốc, bụi cây, như vậy trong ba bốn năm mới vượt được mấy ngàn cây số, leo dãy núi Caucase, lén lút vào địa phận Thổ rồi băng qua sa mạc Syrie để vô Palestine. Tới nơi là hai bàn tay trắng, nhưng họ mãn nguyện rồi, chỉ lo kiếm đủ ăn để chờ chết - chết trên đất Israel là được lên Thiên đường ngay- họ không biết đoàn kết nhau, mà tản mác đi làm thuê lảm mướn cho người Ả Rập hoặc cho những người Do Thái cũ vẫn ở lại Palestine từ thời xửa thời xưa. Người Ả Rập tất nhiên coi họ là bọn lang thang, ăn mày, hạ tiện rồi, mà chính những đồng bào Do Thái cũ cũng chẳng có cảm tình gì đặc biệt với họ. Vì từ ngôn ngữ đến nét mặt đã khác nhau xa, chỉ còn mỗi một điểm giống nhau là cùng theo một tôn giáo.
***
Đợt thứ nhì
Qua đợt thứ nhì từ 1905 đến 1910 thì khác hẳn.
Cuốn Quốc gia Do Thái đã ra đời, Ngân hàng Do Thái, Quỹ quốc gia Do Thái (1901) đã thành lập, Edmond de Rothschild đã tận tâm giúp đỡ tiền bạc nên đợt này được tổ chức hẳn hoi, có một cơ quan trung ương lo vấn đề di chuyển và mua những đất bỏ hoang ở Palestine với một giá rất đắt cho họ có chỗ định cư.
Một điểm khác nữa là thành phần hồi hương gồm nhiều thanh niên có nhiệt huyết, có lý tưởng, quyết định gây một quê hương, tạo một đòi sống mới trên đất cũ của tổ tiên. Có kẻ đề nghị lập một tổ chức sống cộng đồng, trong đó mọi người đều bình đẳng và yêu cầu Rothschild giúp vốn. Rothschild kinh hoảng, cho họ là “phiến loạn”, không chịu giúp.
Bọn mới đó nghịch hẳn với bọn cũ: bọn cũ không thích công việc cày cấy, kẻ có tiền thì mướn nhân công Ả Rập làm ruộng cho mình, kẻ không tiền mới phải đi làm công; bọn mới trái lại, để cao công việc tay chân, công việc đồng áng, công việc nào nặng nhọc nhất thì họ thích nhất, cho rằng nó quý nhất, giải thoát họ được nhất. Họ đốt hết bằng cấp; thi sĩ, triết gia đều xắn tay cuốc đất - mà đất nhiều nơi toàn là sỏi - rồi khi nghỉ tay làm thơ vịnh cái thú “anh cày em cấy” hoặc viết sách dựng một triết lý về sự làm lụng tay chân. Aron David Gordon, môn đệ của Tolsloi, soạn được cuốn “Lao động tôn giáo” (Religion du travail) trong thời cầy ruộng ở bên bờ Tibénade.
Còn nữ thi sĩ Racheì vì bệnh lao, không làm được việc nặng nhọc, than thở trong mấy vần thơ:
Ôi quê hương, tôi không làm được gì để ca tụng quê hương,
Tôi không có những hành động anh hùng, những chiến công rực rỡ,
để làm vẻ vang quê hương.
Tay tôi chỉ trồng được mỗi một cây
trên bờ thanh tịnh của con sông Jourdain.
Chân tôi chỉ dạo trên mỗi một con đường mòn
trong cánh đồng bát ngát của quê hương.
Năm 1909 mươi gia đình lớp mới đó làm lụng ở Jaffa, quyết xây dựng trên những đồi cát ở ngoài châu thành một khu riêng để ở; và khu đó mang tên là Tel Aviv (Đồi Xuân), hiện nay có non nửa triệu dân (một phần sáu trong số dân nước Israel).
Năm 1911, mười người đàn ông và hai người đàn bà muốn sống theo ý mình - sống chung, làm việc chung, lợi tức chung - thành lập Kibboutz đầu tiên ở Degania, nơi mà con sông Jourdain từ hồ Tiberiade chảy ra. Chỗ đó nằm trong một lòng chảo thấp hơn mặt biển hai trăm thước, vừa nóng nực vừa ẩm thấp, mùa mưa lầy lội, cách biệt hẳn thế giới bên ngoài.
Kibboutz đó, nông trường cộng đồng đó, mới đầu thực tồi tàn. Họ cất trước nhất một phòng chung bằng cây bị một đục, để có chỗ ăn chung và bàn bạc về vấn đề chung, theo lối dân chủ. Dụng cụ thô sơ, cổ lỗ, gia súc gồm sáu cặp la (lừa), sáu con ngựa để cưỡi, đêm nào cũng phải có người canh trộm cướp, người nào cũng đau ốm vì khí hậu rất xấu; vậy mà “năm đầu tiên đó sướng tuyệt… khả năng làm việc của chúng tôi cơ hồ như vô biên. Gặp trở ngại nào mà sức lực không thắng nổi thì trí óc chúng tôi cũng san phẳng được”. Năm 54 tuổi, Aron David Gordon gia nhập cộng đồng đó, lãnh vai lý thuyết gia cho nhóm; y như Tolstoi, ông chủ trương rằng con người có tiếp xúc với thiên nhiên, với loài vật, có làm việc chân tay thì mới thực là trong sạch.
Năm 1913 một thiếu nữ bỏ đời sinh viên ở Ukraine, trốn gia đình tới sống ở Degania, nhận việc nướng bánh cho năm chục người ăn, rất hãnh diện về công việc. Suốt buổi nhồi bánh tới nỗi tay run lên vì mệt, mà ruồi thì bu chung quanh, người khác rất chán nản, cô thì chỉ sợ không làm được tròn nhiệm vụ. Nhưng chẳng bao lâu cô thấy “tự thích ứng với công việc một cách rất tự nhiên, như do bản năng, như có một mối tình thân thiết giữa tôi và chất bột mà tôi nhào”. Tên cô là Davorah Dayan. Độc long tướng quân, Moshe Dayan, vị anh hùng của Israel sau này, chính là con của Davorah Dayan.
Dần dần nông trường thịnh vượng lên, thành một làng có cây cao bóng mát, trồng cả lúa, cây trái và rau. Nhiều nông trường khác thành lập theo kiểu đó và hiện nay các Kibboutz ở Israel được mọi người coi là một thì nghiệm thành công rất đáng chú ý, kết quả tốt đẹp hơn những Kolkoze ở Nga. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề đó trong một chương khác.
***
Bản tuyên ngôn Balfour và đợt hồi hương thú ba
Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Anh, Pháp tưởng “con bệnh Thổ” hấp hối tới nơi, không ngờ Thổ đứng vào phe Đức, được Đức giúp khí giới, còn vùng vẫy được một thời gian. Trên mặt trận Caucase, Thổ chặn được Nga; ở Tây Á, Thổ tiến từ Palestine băng qua sa mạc Sinai đánh chiếm kênh Suez, cổ họng của đế quốc Anh.
Anh đâm hoảng, dụ dỗ các quốc vương Ả Rập tiếp tay với mình diệt Thổ và hứa hẹn với họ đủ điều. Nhưng đa số còn lừng chừng, đợi phe nào thắng sẽ ngả về phe đó. Vả lại thực lực của họ cũng chẳng có gì, mà họ lại nghe đồn rằng Anh, Pháp đã thoả thuận với nhau hễ Đức, Thổ mà quị thì sẽ chia nhau xứ Ả Rập, thành thử họ không hết lòng. Anh đâm thất vọng, trông hoài mà không thấy Ả Rập nổi loạn chống lại Thổ.
Trong khi đó, một người Do Thái sáng suốt, một nhà bác học nổi danh và cầm đầu phong trào Sion từ hồi Herzl từ trần, tên là Chaim Weizmann (1), biết nắm lấy cơ hội; hô hào đồng bào khắp nơi giúp đỡ người Anh, ông chế được chất acéton nhân tạo cho Hải quân Anh, nhờ vậy mà Anh và Đồng minh không sợ thiếu chất đó.
Chính phủ Anh để thưởng công, tặng ông một chi phiếu ký tên nhưng để trắng số tiền; ông từ chối, chỉ xin “một cái gì cho dân tộc tôi”. Nhà cảm quyền Anh, vốn có cảm tình với phong trào Sion, thấy điều ông xin đó rất tự nhiên, và ngày 2 tháng 11 năm 1917, viên Thượng thư bộ Ngoại giao, huân tước Balfour gởi ông một bức thư cho hay rằng chính phủ Anh thoả thuận cho dân tộc Do Thái thành lập một Quê hương (national home) ở Palestine, và sẽ gắng sức thực hiện dự định đó, miễn là không có gì thiệt hại cho những quyền dân sự và tôn giáo của những cộng đồng không phải Do Thái hiện có ở Palestine.
Đức thư đó được gọi là bản Tuyên ngôn Balfour (Déclaration Balfour). Trong bản thảo của Balfour không có hàng chữ hạn chế: “miễn là không có gì thiệt hại cho những quyền lợi dân sự và tôn giáo của những cộng đồng không phải là Do Thái hiện có ở Palestine”; chính một người Do Thái một “kẻ thù trong nội bộ” như Chaim Weizmann nói, muốn tỏ lòng “ái quốc Anh Cát Lợi” Huân tước Edward Montaigu, thượng thư bộ Ấn Độ sự vụ, đã nhắc Balfour cho thêm vô.
Đồng minh của Anh tán thành, chấp nhận bản Tuyên ngôn đó, các người Do Thái bèn hăng hái đứng vào hàng ngũ Anh để tấn công Thổ. Họ tình nguyện đầu quân, thành lập đoàn “Cưỡi-la Sion” mà viên chỉ huy là tướng Do Thái cụt tay tên là Joseph Trumpeldor, đã nổi danh anh dũng khi còn phục vụ trong quân đội Nga.
Tại Hoa Kỳ, một đoàn Lê dương Do Thái cũng được thành lập, trong đoàn có hai người sau này nổi danh: David Ben-Gurion và Yitzhad Ben-Zvi.
Thế là phong trào Do Thái đã có một bản hiến chương. Thổ nổi doá, tàn sát tụi “Do Thái phản bội” ở Palestine, gây nhiều nỗi kinh khủng ghê gớm. Dân Do Thái ráng chống cự và chịu đựng, rốt cuộc chết mất một nửa.
Khi Đức đầu hàng, Anh Pháp qua phân đế quốc cũ của Thổ. Anh thí cho Pháp Syrie mà chiếm lấy phần lớn ở Tây Á gồm Iraq, Transjordanie, Palestine, không kể cả chục đất “bảo hộ “khác ở chung quanh bán đảo Ả Rập.
Hội Vạn Quốc khi uỷ quyền cho Anh bảo hộ Palestine (1922) có buộc Anh phải lập ở đó một “quê hương” Do Thái. Nắm ngay lấy cơ hội, các lãnh tụ Do Thái như Weizmann, Ben-Canaan thương thuyết ngay với người có uy quyền nhất trong khối Ả Rập, lúc đó là Faycal, và lai bên thoả thuận sống chung với nhau, tôn trọng quyền lợi của nhau.
Cuộc hồi hương thứ ba bắt đầu mặt cách tưng bừng để bù vào số người bị Thổ giết, và từ đó cũng bắt đầu chính sách gây rối của người Anh. Các chính trị gia Anh Cát Lợi tuy thích Thánh Kinh, thương con cháu của Moïse, nhưng còn thích tiền bạc hơn và thương các giếng dầu của họ hơn.
Vì vậy Huân tước Balfour đã hứa Palestine cho Do Thái, rồi Mac Mahon lại hứa cho vua Ả Rập Hussein. Sykes cũng hứa với Picot rằng Pháp sẽ được ít nhiều quyền lợi ở đó. Ba lần Đất hứa, không kể lời hứa của Chúa, kể cũng quá nhiều!
Chúa chỉ hứa có một lần thôi!
***
Ba đợt hồi hương sau, và bản Bạch thư
Hai đợt hồi hương thứ tư (1921) và thứ năm (1928) không có gì đặc biệt. Bản tuyên Balfour đã được Hội Vạn Quốc công nhận, người Do Thái châu Âu vui vẻ trở về Palestine và hăng hái khai thác những đồn điền họ mua của Ả Rập. Các Kibboutz cũng phát triển theo, năm 1931, tổng số dân trong các nông trường cộng đồng đó được 4.400 người, nghĩa là 2,5% tổng số dân trong xứ. Nhưng chính sự thành công của họ là nguồn gốc nhiều rắc rối.
Hồi Chaim Weizmann và vua Faycal ôm nhau hôn, coi Do Thái là anh em cùng chung một cụ tổ Abraham, người Ả Rập vui vẻ để người Do Thái vô lập nghiệp vì như vậy có lợi cho họ. Do Thái châu Âu hai đợt này đều là hạng khá giả, không thiếu gì tiền, họ đầu tư vào mọi ngành kinh tế, phát triển trường học, nhất là dưỡng đường cất thêm lên nhiều, mức sống tăng tiến và người Ả Rập ở các xứ lân cận cũng rủ nhau vô Palestine làm ăn.
Nhưng khi thấy người Do Thái thành công quá mà mỗi ngày mỗi đông thêm, họ đâm ra bất bình. Trước kia họ bán những đất khô cằn cho Do Thái với giá rất đắt, tưởng rằng sau hai ba năm, Do Thái phải thất bại, Do Thái tất phải kêu họ tới mà bán lại với một giá rẻ mạt, rồi cuốn gói đi nơi khác.
Nào ngờ nông trường của họ cứ mỗi ngày mỗi mơn mởn lên, nhà cửa, kho lẫm mỗi ngày mỗi thêm chen chúc, xe cộ lui tới mỗi ngày mỗi dập dìu; còn mình thì số tiền bán đất tiêu hết đã lâu, hoá ra nghèo hơn họ. Lại thêm cái nỗi họ trả công cao, nông dân bỏ qua làm công cho họ, chủ điền Ả Rập mất dần quyền hành, uy tín, rất đỗi bực mình. Tụi đó là khách mà lại lấn chủ, ai mà chịu được nỗi đó.
Khi hai dân tộc lối sống, mức sống cách nhau rất xa mà sống chung với nhau thì xảy ra không biết bao nhiêu chuyện rắc rối. Điều đó ta không thể trách họ được: cứ xét trong năm sáu năm nay, tình cảnh ở các châu thành Việt Nam, những nơi có nhiều người Mỹ, thì sẽ hiểu tâm trạng người Ả Rập. Họ lại tiếc ngẩn ngơ rằng trước kia đã bán đất để bây giờ tụi Do Thái thành những chủ nhân ông thịnh vượng.
Điều này ta cũng không thế trách họ được nữa: các khu ở Sài gòn hai mươi lăm năm trước còn hoang vu mang những tên như Bãi tắm ngựa, Chuồng bò, Chuồng ngựa… bây giờ mọc lên san sát những nhà lầu, những tiệm buôn, chủ nhân các khu đất đó tìm mọi cách để lấy lại đất, một cách cương quyết ra sao thì các chủ điền Ả Rập cũng mong trục xuất người Do Thái khỏi các đồn điền một cách cương quyết như vậy.
Trục xuất không được, vì đất đã bán rồi, họ đổ hết cả lỗi lên đầu người Anh. Chỉ tại người Anh, cho “tụi quỷ” đó vô Palestine! Bộ thuộc địa của Anh không mong gì hơn là Do Thái và Ả Rập xích mích với nhau để họ làm trọng tài mà dễ cai trị. Họ hứa sẽ làm thoả mãn cả hai bên. Nhưng làm cách nào thoả mãn cả hai bên cho được Nhất là tụi Do Thái Palestine này khỏng dễ bảo như Do Thái châu Âu. Họ không chịu những cảnh pogrom, ghetto nữa. Họ nhất định chiến đấu.
Rắc rối nhất là chính một người Anh, Orde Wingate, còn có tinh thần Do Thái hơn người Do Thái chính cống nữa, chỉ bảo họ cách thức lập những “đội dạ chiến”, tổ chức đoàn tự vệ Hagana và chẳng bao lâu, trên khắp cõi Palestine, mỗi Kibboutz thành một đồn tự vệ có chòi canh, lính gác. Ả Rập không dám đột kích, cướp bóc họ nữa. Để giải quyết các sự rắc rối, người Anh lấp các uỷ ban điều tra. Điều tra năm này qua năm khác mà chẳng có kết quả gì cả. Thực ra họ cũng đưa ra một kết luận: phải chia cái Palestine thì mới êm được. Từ xưa tới nay hễ gặp nước bí thì luôn luôn người ta dùng giải pháp đó, nhưng lúc đó người ta chưa tính thực hiện nó.
Năm 1933, ở châu Âu Hitler lên cầm quyền hung hăng muốn tận diệt tụi Do Thái, gây thêm rắc rối cho Anh ở Palestine. Hàng chục ngàn Do Thái ở Đức bị trục xuất hoặc sợ mà chạy trước, chỉ mang theo một mớ quần áo và mươi Đức kim. Một số ít qua Mỹ còn thì về Palestine. Đợt hồi hương thứ sáu này gồm rất nhiều nhà trí thức: có những tiến sĩ lái taxi ở Jaffa, hoặc đóng giày ở Tel Aviv; có những giáo sư, nghệ sĩ đánh xe ngựa và cuốc đất, mỗi tối mở các lớp học bình dân hoặc tổ chức các buổi hòa nhạc, diễn kịch. Họ làm việc hăng hái, có phương pháp, giúp rất nhiều cho sự phát triển của Do Thái.
Người Ả Rập thấy vậy càng lo: Họ muốn chiếm Palestine chăng? Mà người Anh cũng đâm lo người Ả Rập sẽ nổi loạn mất, phá các giếng dầu của mình thì nguy. Và ngày 17 tháng 5 năm 1939, chính phủ Anh đành nuốt lời hứa với Do Thái, ký một bản tuyên ngôn nữa, một Bạch thư (Livre blanc) thẳng tay hạn chế phong trào hồi hương lại.
Đang lúc người Do Thái cần phải về Palestine nhất thì không úp mở gì cả, chính phủ Anh tuyên bố rằng tuyệt nhiên không có ý muốn cho Palestine thành một quốc gia Do Thái. Họ bảo rằng trước kia họ chỉ hứa lập một “quê hương” chứ không phải một quốc gia Do Thái. Với lại trong bản tuyên ngôn Balfour cũng đã nói rõ: “Sự di trú của Do Thái phải không làm thiệt hại quyền lợi của Ả Rập”. Ngày nay người Ả Rập thấy quyền lợi bị thiệt hại nhiều thì Anh phải hạn chế lại. Họ ra lệnh: từ năm 1930 đến năm 1944 chỉ cho 75.000 người Do Thái vô Palestine thôi, rồi tháng sáu năm 1944 sẽ bế môn hẳn. Còn người A Rắp thì không hạn chế, muốn vô bao nhiêu cũng được, vì số người Do Thái không được quá một phần ba tổng số dân ở Palestine. Trong năm năm chỉ cho 75.000 người mà ở châu Âu có tới sáu triệu người Do Thái sắp bị tiêu diệt.
Người Anh còn thắt thêm một vòng nữa: quyền mua đất đai ở Palestine, cũng bị hạn chế đối với người Do Thái họ chì được mua trong những khu vực đã ấn định và ngay trong những khu vực đó họ cũng chỉ được mua tới 5% diện tích là cùng.
Cả hai đảng Bảo thủ và Lao động của Anh đều bất bình về quyết định đó của bộ thuộc địa. Churchill (đảng Bảo thủ) bảo “Đó là một vụ nuốt lời hứa, một vụ phản bội đê hèn, một vụ Munich thứ nhì”, còn Morrison (đảng Lao động) trách chính phủ đã không giữ lời cam kết với thế giới, rằng ông bộ trưởng Bộ thuộc địa nếu cứ tuyên bố thẳng rằng “chính phủ bất lực, phải hy sinh người Do Thái” thì đỡ bị khinh hơn.
Vì trước kia Hội Vạn Quốc uỷ quyền cho Anh bảo hộ Palestine, buộc Anh lập một quê hương Do Thái cho nên theo luật quốc tế, Bạch thư phải được Hội Vạn Quốc chấp thuận tới mới có giá trị.
Đáng lẽ hội đồng Vạn Quốc phải họp tháng 9 năm 1939. Nhưng rồi không họp và Bạch thư hoá ra có giá trị về phép luật. Nhưng trong thực tế vẫn được áp dụng triệt để, kết quả là trong hai năm 1941, 1942, hai chiếc tàu chở đầy người Do Thái bị đắm trong Địa Trung Hải và Hắc Hải.
Những chiếc quan tài nổi
Chiếc thứ nhất là chiếc Strouma, một chiếc tàu dùng để chạy trên sông Danube, cũ kỹ, rỉ xết, dài không đầy hai chục thước mà chở tới tám trăm người Do Thái muốn trốn thoát cảnh tàn sát của tụi Đức Quốc Xã. Thực là có Jahvé phù hộ mà chiếc “quan tài nổi” đó mới tới được Istamboul.
Cơ quan trung ương Do Thái năn nỉ người Anh cho phép vô Palestine. Người Anh không những từ chối mà còn dùng áp lực buộc Thổ cấm tàu Strouma đậu trong hải cảng Thổ. Thế là cảnh sát Thổ xuống tàu, dòng tàu ra giữa Hắc Hải, bỏ đó, không tiếp tế thức ăn, thức uống, than củi gì cả. Một cơn bão nhỏ nổi lên, tàu chịu không nổi, chìm nghỉm. Chỉ có mỗi một người Do Thái sống sót.
Chiếc thứ nhì là chiếc Patria. Không hiểu do một phép màu nào mà hai chiếc tàu nhỏ chở hai ngàn người Do Thái từ châu Âu qua được Palestine đậu ở ngoài khơi Haifa, chính quyền Anh ra lệnh dẫn bọn họ qua một chiếc khác, chiếc Patria, đưa họ qua đảo Maurice (Ile de Maurice) ở Ấn Độ Dương. Chiếc Patria ra khơi được một lát rồi cũng chìm nốt. Lại mấy trăm người Do Thái làm mồi cho cá mập. Họ chết như vậy còn được mát mẻ, vẻ vang hơn là trong các lò thiêu của Đức Quốc Xã. Nhục nhã là người Anh đã thi hành đúng cuốn Bạch thư vì dầu lửa Ả Rập cần cho họ hơn là lòng quý mến của Do Thái, của nhân loại. Dầu lửa là “cái gân của chiến tranh” mà lúc đó Anh đương chống đỡ những đòn kinh khủng của Đức. Nhiều người Do Thái uất ức chửi họ: “Tụi Anh cũng chó má như tụi Đức, kém gì đâu!”
Các nước khác có phản kháng vụ đó không?
Có, có nhiều chính khách Mỹ, Pháp lên tiếng đấy. Nhưng họ la ít lâu rồi cũng thôi, la suông có ích lợi gì đâu. Vả lại Mỹ, Pháp cũng đương lo chống cự với Đức, và trong thâm tâm họ cũng phải nhận rằng ở vào địa vị Anh, muốn bảo vệ những giếng dầu lửa Ả Rập, chính phủ họ có,lẽ cũng không thể làm khác được. Tất cả chính trị ở Tây Á trong mấy chục năm nay đều do dầu lửa chi phối mà cái lương tâm của nhân loại làm sao nặng được bắt đầu dầu lửa! Dầu lửa còn chi phối được lâu nữa, khi nào nguyên tử lực thay thế được nó mới thôi, nghĩa là ít nhất cũng tới cuối thế kỷ chúng ta. Từ nay đến đó, trên bán đảo Ả Rập còn xảy ra nhiều trò “ngoạn mục!”
Chú thích:
1- Có sách viết là Hayim Waizmann hoặc Zaim Weizman
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment