Sunday, October 21, 2012

Bàn về lịch sử người Do Thái

Bàn về lịch sử người Do Thái
Có thể nói trong tất cả các dân tộc trên thế giới, người Do Thái là 1 trong những thứ dân có lịch sử đáng kinh ngạc và đáng thán phục nhất. Người Do Thái được Abraham lãnh đạo rời bỏ thành Ur ở Mesopotamia để sống phiêu bạc ở miền Canaan (Palestine, Jordan, Israel ngày nay). Được khoảng trăm năm thì Joseph dẫn họ vào Ai Cập định cư. Người Do Thái định cư ở Ai Cập không được lâu thì bị bắt làm nô lệ cho Ai Cập. Vài trăm năm sau, Moses lại dẫn dân tộc mình chạy khỏi Ai Cập trở lại miền Canaan và bắt đầu chinh phục miền nay để xây lên 1 vương quốc. Vương quốc Do Thái cực thịnh dưới hai triều David và Solomon thì bị chi cắt làm hai quốc gia Israel ở phía Bắc và Judah ở phía Nam. Israel bị Assyria xâm chiếm và dân Do Thái ở phía Bắc bị bắt làm nô lệ cho người Assyria. Assyria tồn tại không được lâu thì bị Babylon tiêu diệt. Babylon chiếm luôn Judah, lại bắt người Do Thái ở phía Nam làm nô lệ và đày 1 phần dân số qua thành Babylon. Khi Babylon rơi vào tay Cyrus đại đế của Ba Tư thì hoàng đế này mới trả người Do Thái trở lại miền Canaan. Sau đó Canaan liên tục đổi chủ từ Ba Tư qua Macedonia, rồi quốc gia Ai Cập của họ Ptolemy và Syria của họ Seleucos. Người Do Thái dành được độc lập một thời gian sau cuộc khởi nghĩa Maccabe lập ra vương quốc Hasmonean thì bị La Mã xâm lăng và biến thành 1 tỉnh của La Mã. Khoảng cuối thế kỉ thứ nhất sau Công Nguyên thì người Do Thái lại nổi dậy chống La Mã. Cuộc khởi nghĩa thất bại và một phần lớn người Do Thái bị phân tán đi khắp các miền của Đế quốc. Từ đó dân tộc Do Thái bị phân tán, lang thang khắp châu Âu, Địa Trung Hải và Trung Đông. Miền Canaan lần lượt rơi vào tay Byzantine, Ả Rập, Mameluke, rồi lại Ả Rập, rồi Thổ Nhĩ Kỳ, cuối cùng là Anh. Trong khoảng thời gian đó, hầu như người Do Thái ở đâu cũng bị khinh bỉ và đàn áp, từ Tây Âu Công giáo và Đông Âu Chính Thống giáo cho đến Trung Đông Hồi giáo và ngay chính quê nhà ở Canaan. Mỗi khi Jerusalem đổi chủ là mỗi lần người Do Thái ở thành này chịu cảnh đổ máu. Cho đến cuối thế kỉ 19, người Do Thái ở châu Âu và châu Mỹ mới bắt đầu 1 phong trào gọi là Zion. Người Do Thái ở các châu lục này mới dần dà kéo nhau về miền Palestine (tức Canaan) để định cư. Thảm họa lớn nhất của dân tộc Do Thái đến vào cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, khi 6 triệu người Do Thái trên khắp châu Âu bị đưa vào các trại tập trung của Phát xít Đức để bị giết hại. Sự kiện này đã khiến hàng ngàn người Do Thái bỏ chạy khỏi châu Âu và di tản đến định cư ở Palestine. Dĩ nhiên sự xuất hiện của họ ở Palestine chẳng được người Ả Rập đang định cư ở đó chào đón. Hàng loạt xung đột nổ ra giữa hai sắc dân trên miền Palestine. Với sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc lúc này mới được thành lập trên sự đồng ý của ba cường quốc Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô, quốc gia Israel, sau gần 2000 năm kể từ khi vương quốc Hasmonia bị La Mã tiêu diệt, lại được tái lập. Sau 50 năm, bất chấp việc bị các láng giềng hùng mạnh hơn và thù địch liên tục uy hiếp, Israel vẫn vươn lên là 1 cường quốc kinh tế và quân sự số một trong vùng. Nếu xét ra, ta thấy người Do Thái có thể nói là dân tộc chịu nhiều cay đắng nhất trong số các dân tộc còn tồn tại đến giờ này. Năm lần bảy lượt bị nô lệ hóa, quốc gia bị tiêu diệt, dân cư bị đuổi khỏi nhà và lang thang khắp thế giới, vậy mà vẫn giữ được tinh thần dân tộc, vẫn giữ được tôn giáo của mình cho đến tận ngày nay. Trên thế giới không có trường hợp thứ hai.

No comments:

Post a Comment