Tuesday, October 23, 2012

Tại sao người Do Thái thành công?

Tại sao người Do Thái thành công?

Người Do Thái với trí tuệ và khả năng đặc biệt của mình đã đóng góp một phần quan trọng làm nổi bật vai trò của nguồn vốn nhân lực đối với sự phát triển kinh tế, Project Syndicate nhận định.

Nổi bật trong lĩnh vực kinh tế

Simon Kuznets, một trong những nhà kinh tế lớn của thế kỷ 20, người đi tiên phong trong lý thuyết về nguồn vốn nhân lực từng nhấn mạnh đến vai trò của những người Do Thái trong đời sống kinh tế.

Nhìn lại lịch sử của người Do Thái cho thấy vào hồi đầu thế kỷ 20 phần lớn họ sinh ra trong nghèo khó. Tuy nhiên, trải qua thời gian họ dần khấm khá hơn, tất nhiên đó là xã hội cho phép họ được cạnh tranh trên một nền tảng công bằng. Đó là trường hợp ở các nước Trung và Tây Âu, sau đó là nước Mỹ, nơi vẫn được mệnh danh là miền đất hứa, nơi tạo cơ hội cho tất cả mọi người miễn là có khả năng.

Người Do Thái bắt đầu bằng việc làm tốt trong lĩnh vực kinh doanh buôn bán. Trong quá trình tìm chỗ dựa về kinh tế ở những nơi mà chưa bị người khác chiếm chỗ, người Do Thái thường xây dựng các chợ cho các sản phẩm và dịch vụ của họ. Họ đi tiên phong tạo ra các chuỗi cửa hàng bán lẻ, từ các tiệm tạp hóa cho đến các chợ. Thành phần tiến nhanh nhất trong làm ăn kinh tế kể từ cuối thế kỷ 19 là những người được xếp vào nhóm hoạt động trong ngành công nghiệp phục vụ (thường liên quan đến lĩnh vực giải trí), các hoạt động mà người Do Thái đặc biệt nổi bật như in ấn cho đến chương trình tạp kỹ, từ phim ảnh cho đến thể thao thương mại… Họ cũng làm tốt trong những nghề đòi hỏi phải có sự học hỏi như làm thuốc, luật, kế toán - những nghề trung tâm trong xã hội tư bản hiện đại.

Hãy tìm hiểu

Có một số cách tiếp cận xem xét những thành công của người Do Thái. Họ có kinh nghiệm trong buôn bán hơn bất cứ nhóm người nào khác, và những kiến thức được giấu kín về mua, bán, tính toán thiệt hơn trong kinh doanh chỉ được lưu truyền trong gia đình để làm ăn đã giúp lý giải vì sao họ giỏi trong lĩnh vực đó.

Người Do Thái luôn học được cách tìm kiếm các cơ hội mới trong các thị trường nhỏ lẻ, hoặc làm việc như những người bán rong, hoặc tạo ra các sản phẩm mới, nghĩ cách quảng cáo mới…Hay nói đúng hơn, hoàn cảnh khó khăn buộc họ phải tìm ra phương thức tồn tại, từ đó nảy sinh những ý tưởng và kinh nghiệm mà những người ăn sẵn sẽ không bao giờ có được.

Mạng lưới xã hội của người Do Thái cũng giữ vai trò rất quan trọng. Người Do Thái di cư đến nhiều nước, nhưng ở nước nào họ cũng chia sẻ một ngôn ngữ chung và một tâm lý là nhóm người cùng chung số phận. Bởi thế họ ý thức được các cơ hội khi nó còn ở rất xa. Họ có mối liên hệ rộng khắp với nhau và phần nào rất năng động trong môi trường quốc tế. Thêm nữa, trong văn hóa tôn giáo, người Do Thái coi trọng thúc đẩy giáo dục phổ cập cho thanh thiếu niên, ít nhất đối với đàn ông. Người Do Thái cũng đề cao vai trò của việc đọc sách. Những quan điểm và khuynh hướng này được chuyển hóa từ các văn bản tôn giáo thành những hình thức giáo dục trên thực tế. Kết quả là người Do Thái rất coi trọng giáo dục, sẵn sàng từ bỏ những thú vui và mức thu nhập hiện tại để đầu tư cho giáo dục.


Những yếu tố này đã đưa ra lý do vì sao chú ý đến lịch sử người Do Thái giúp chúng ta hiểu chủ nghĩa tư bản hơn. Nó nhắc nhở chúng ta rằng phần lớn những thành công trong một xã hội tư bản dựa trên những yếu tố lịch sử văn hóa giúp sáng tạo ra những giá trị như tính năng động, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng đối mặt rủi ro, sẵn sàng trì hoãn những nhu cầu không cần thiết để tiết kiệm và đầu tư cho giáo dục. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu rằng các nhóm xã hội khi có sự thành công nào đó sẽ gặp phải các phản ứng chính trị khác nhau. Các xã hội hướng tới sự năng động kinh tế có xu hướng chào đón thành công của các nhóm dân cư, coi chúng như là nguồn gốc của sự phồn thịnh. Nhưng các nền văn hóa có xu hướng chống lại thành công kinh tế, hoặc coi là cản trở đối với công bằng, hoặc là luôn giả định rằng thành công kinh tế của một số sẽ phải trả giá bằng thất bại của người khác, sẽ có xu hướng chống lại người Do Thái. Từ đó mà có các phản ứng thái quá đối với người Do Thái như cách mà nước Đức Quốc xã đã đối xử chẳng hạn.

Một số nhà khoa học xã hội e rằng sự chú ý quá mức đối với những thành công của người Do Thái có thể làm gia tăng phong trào chống lại họ, hoặc phổ biến thuyết về sự thống trị kinh tế của người Do Thái để cản trở, gây khó khăn cho họ. Dù thế nào thì ý chí và lòng can đảm của người Do Thái cùng nỗ lực của họ cũng là điều đáng để cho chúng ta tìm hiểu và học tập.

No comments:

Post a Comment