Saturday, October 20, 2012

Truyện Dân Gian Do Thái: Con ruồi và con nhện


Truyện Dân Gian Do Thái: Con ruồi và con nhện

Truyện dân gian của các dân tộc nói chung là để tiêu khiển hoặc lấy tiêu khiển làm mục đích chính, còn việc cổ vũ cho luân lý đạo đức chỉ là phụ. Mỗi truyện có tự tính của nó, không liên quan tới bối cảnh lịch sử, nghi lễ phụng vụ hoặc giải thích thế giới. Nó hư cấu một cách đơn giản, phù hợp thị hiếu của giới bình dân. Nội dung truyện ứng xử với những vấn đề quen thuộc, đang diễn ra chung quanh người thưởng ngoạn, chỉ thỉnh thoảng mới có truyện đặt các sự việc vào bối cảnh quá khứ đã thuộc về cổ tích, như mẫu hệ, phong tục xa xưa hay những di sản thời cổ nay đã biến thái tuy vẫn còn đôi chút dấu vết trong kế thừa.
Cũng như các dân tộc khác, văn học dân gian Do Thái có một kho tàng phong phú các câu truyện kể cho nhau nghe dưới mái ấm gia đình, trong cuộc gặp mặt thân hữu và giữa chốn hội đường. Một số truyện nói lên các vấn đề của cuộc sống. Một số truyện cho thấy cái nhìn thấu suốt vào động thái của con người. Thậm chí có một số truyện mà khi tiếng cười dứt, còn đọng lại trong tâm tư người nghe điều gì đó để trầm ngâm, vương vấn.
Tuy thế, truyện dân gian Do Thái cũng có ít nhất hai đặc điểm nổi bật.
Thứ nhất, vì người nghe truyện thuộc một dân tộc lấy hai định chuẩn để tự kiểm và đánh giá người khác, đó là biết kính sợ Thượng đế và có từ tâm. Đối với họ, người tốt lành là người ngoan đạo, biết vâng phục Thượng đế. Và vâng phục Thượng đế tức là giữ đúng lề luật do ngài ban xuống, được ghi lại trong kinh Torah cộng thêm những triển khai trong sách Talmud. Thượng đế, kinh Torah và dân Israel là ba thành tố bất phân ly trong cuộc sống của họ, và người Do Thái tin rằng họ tồn tại là nhờ giữ vững niềm tin vào Thượng đế và vào vận mệnh được Thượng đế dành cho dân tộc mình.
Thứ hai, vì dân tộc Do Thái phiêu linh khắp thế giới từ châu Á Phi tới Âu Mỹ nên kho tàng truyện dân gian của họ ghi đậm dấu vết văn hóa tại những nơi bánh xe của dân tộc lăn qua rồi đậu lại hoạc lăn tiếp. Người thưởng ngoạn bắt gặp trong ấy các cốt truyện nguyên si hay đôi chút biến dị của rất nhiều dân tộc khác, nhờ thế dễ thấu cảm bức thông điệp được mỗi truyện chuyển tải.
Ngoài hai đặc điểm kể trên, một số truyện dân gian Do Thái còn vượt ra ngoài hình thức kể chuyện dân dã bình thường cũng như lối cấu trúc mang tính luận lý trong một số tác phẩm văn chương bác học. Nói theo kiểu thời thượng, chúng mang tính hậu hiện đại và tiên phong tuy xuất hiện hàng trăm năm trước đây. Một số nhà phê bình cho rằng nhà văn Franz Kafka (The Metamorphosis [Biến Hình Dạng]) cùng vài nhà văn gốc Do Thái khác đã chịu phần nào ảnh hưởng của chúng. Lối thể hiện hư ảo này cũng khá thông dụng trong một số nhà văn hiện nay tại Việt Nam.
Dưới đây, chúng tôi xin mời các bạn thưởng ngoạn một truyện dân gian Do Thái tiêu biểu cho loại đặc biệt đó. Truyện này nằm trong số 350 truyện được chúng tôi sưu tầm, dịch, chú giải và đối chiếu đông tây, làm thành bộ sách ba tập Kho Tàng Truyện Dân Gian Do Thái đang được in và phát hành tại Việt Nam
Nguyễn Ước
**
Con ruồi và con nhện
Thuở đó, có một nhà vua xông pha suốt mấy cuộc chiến tranh gian khổ và rồi chiến thắng tất cả, bắt được rất nhiều tù nhân nên hằng năm ông tổ chức quốc yến mời hết thảy triều thần tới dự để tán tụng những vinh quang đó. Thời ấy, có một loại tấu hài khiếm nhã mà các vua rất ưa thích và những vở ca vũ nhạc kịch đưa lên sân khấu các dân tộc khác nhau với những tập quán phong tục của họ, thí dụ người Anh, người Thổ Nhĩ Kỳ và kể cả người Do Thái. Lúc đó, nhà vua sẽ yêu cầu mang tới cho ông cuốn sách trong đó ghi lại tục lệ của các dân tộc để ông kiểm tra xem vở ca vũ nhạc kịch đó có chính xác không – và rõ ràng là chính xác vì soạn giả nào cũng đọc cùng một cuốn sách.
Lần nọ, trong khi nghiên cứu cuốn sách đó, nhà vua bỗng thấy có con nhện từ trên bàn đang ra sức bò lên một trang sách mà trong góc trang ấy đậu sẵn một con ruồi. Vậy con nhện muốn gì? Dĩ nhiên nó muốn bắt con ruồi. Thế nhưng ngay lúc ấy, có ngọn gió nhẹ thổi tới, nâng trang sách lên, làm con nhện phải chửng lại. Con nhện quay về điểm khởi hành, kiên nhẫn chờ gió lặng, làm như thể chẳng để ý gì tới con ruồi, và rồi nó lại ra sức bò lên trang giấy lần nữa. Thế nhưng ngọn gió lại thổi tới, nâng trang giấy lên, và thêm lần nữa con nhện lùi lại.
Sự việc cứ xảy ra như thế tới mấy lần nhưng con nhện nhích từng chút một cho tới khi nó đặt được một chân lên trang giấy. Và tới lần kế đó, khi ngọn gió thổi tới nâng trang sách lên, con nhện đã ở hẳn trên trang sách – nhưng lần này trang sách hoàn toàn bị lật qua khiến cho con nhện cùng ở khuất phía bên kia với con ruồi. Và lúc đó, điều gì xảy tới cho con ruồi thì tôi không cần phải kể để làm bận lòng các bạn!
Nhà vua quan sát từ đầu tới cuối diễn tiến ấy và thắc mắc. Có điều gì đó bảo cho ông biết đây không chỉ là một sự cố tình cờ xảy ra mà là một thông điệp nào đó gởi tới cho ông. Ông suy nghĩ và suy nghĩ mãi về ý nghĩa của nó cho tới khi ngủ thiếp trên cuốn sách.
Trong giấc ngủ, nhà vua mộng thấy mình đang cầm một viên kim cương trong tay, khi ông nhìn nó thì thấy có nhiều kẻ từ trong đó bước ra. Ông ném viên kim cương nhưng những kẻ ấy lấy bức chân dung của ông đang treo trên vách xuống và chặt đầu của ông trong bức hình đó. Kế đó, họ túm lấy vương miện đang treo bên trên nó, liệng vào bãi rác.
Mọi sự đó xảy ra trong giấc mộng của nhà vua.
Nhưng chuyện không chỉ chấm dứt ở đó. Những kẻ từ viên kim cương bước ra ấy tìm cách giết ông, nhưng nhà vua đang nằm trên một trang sách của cuốn sách thình lình được nâng lên bởi một ngọn gió nhẹ thổi tới, buộc những kẻ ấy phải lùi lại. Khi trang sách nằm yên, họ quay lại, nhưng thêm lần nữa nó lại được gió nâng lên và thêm lần nữa nó cứu ông. Sự việc cứ xảy ra như thế tới mấy lần. Nhà vua hết lòng khao khát được biết trang sách nào đang bảo vệ ông và trong trang sách đó ghi phong tục tập quán của dân tộc nào. Tuy thế ông sợ hãi quá không dám nhìn nó, và điều tốt nhất ông có thể làm là kinh ngạc thét lên trong giấc ngủ rằng:
– A ha! A ha!
Các quan thượng thư lúc này đang ngồi kế bên nhà vua, muốn đánh thức ông, tuy thế thật phạm thượng khi đánh thức một đức vua nên họ đành phải tạo ra những âm thanh thật lớn nhưng chúng cũng chẳng ảnh hưởng tới nhà vua chút nào.
Trong khi đó, trong giấc mộng của nhà vua, một ngọn núi cao sừng sửng tiến tới gần ông và hỏi ông:
– Ngươi thét lớn cái gì thế? Ta đang ngủ bình yên suốt nhiều thời đại thế mà giờ đây bị ngươi đánh thức!
Nhà vua hỏi:
– Theo ngươi thì ta biết làm sao hơn khi có những kẻ đang mưu sát ta? Mọi sự bảo vệ ta đều ở trong trang sách này.
Ngọn núi trả lời:
– Nếu trang sách này bảo vệ ngươi thì ngươi chẳng việc gì phải lo lắng. Ta cũng có nhiều kẻ thù và trang sách này cũng bảo vệ ta. Nào, hãy để ta cho ngươi thấy.
Lúc đó ngọn núi cho nhà vua thấy hàng ngàn cho tới hàng ngàn kẻ thù của nó, đang đứng chung quanh nó, liên hoan, ăn nhậu, nhảy múa và đàn ca xướng hát. Sở dĩ chúng vui vẻ như thế là vì một toán quân của chúng đã lập kế hoạch leo lên ngọn núi và chúng ăn mừng niềm hy vọng thành công đó. Thế nhưng trang sách bảo vệ nhà vua cũng đang bảo vệ ngọn núi.
Bấy giờ trên đỉnh núi có một tảng đá khắc những phong tục tập quán được ghi trong trang sách bảo vệ cùng dân tộc sở hữu chúng nhưng ngọn núi cao quá nên không ai đọc tới. Và dù ở dưới chân núi ấy một tảng đá khác, trên đó viết rằng bất cứ ai trong miệng có răng đều có thể leo lên ngọn núi, nhưng Thượng đế đã quan phòng khiến cho mọc ở đó một loại cỏ dại làm mọi người không còn răng. Bất cứ ai đi bộ hay phi ngựa qua cỏ đó đều không tránh khỏi bị rụng răng. Và quả thật, có từng đống răng nằm khắp chung quanh ngọn núi, cao thật cao giống như chúng là những quả núi răng.
Kế đó, những kẻ từ trong viên kim cương bước ra hoàn trả bức chân dung của nhà vua vào chỗ cũ trên vách, lau chùi vương miện của ông và treo lại bên trên bức hình ấy.
Khi nhà vua thức dậy, ông ngó trang sách xem nó nói tới dân tộc nào và thấy rằng nó nói tới người Do Thái. Sau khi suy nghĩ sâu xa về vấn đề đó, ông đạt thấu chân lý của nó và quyết định trở thành người Do Thái. Vấn đề còn lại là làm thế nào thuyết phục được kẻ khác cũng thấy chân lý đó và làm cho họ cũng thấy ánh sáng đó? Nhà vua nghĩ rằng tốt nhất là mình nên đi kiếm một nhà thông thái có khả năng giải thật đúng giấc mộng của mình.
Và như thế, mang theo hai người, nhà vua lên đường đi khắp thế giới, cải trang làm người dân bình thường. Ông đi từ thành thị này sang thành thị khác, từ thôn làng này sang thôn làng khác, và nơi nào đặt chân tới, ông cũng hỏi có thể tìm thấy một hiền giả giải được giấc mộng của mình không. Cuối cùng, nghe nói có một nơi đang sống một người như thế, nhà vua liền đi tới gặp người đó. Ông kể cho hiền giả nghe mọi sự về mình – làm thế nào ông là một nhà vua đã chiến thắng nhiều cuộc chiến tranh, và làm thế nào ông có một cuốn sách về phong tục tập quán của các dân tộc, và làm thế nào ông có một giấc mộng về nó, và vân vân – và ông yêu cầu cho biết ý nghĩa của tất cả những cái đó.
Nhà khôn ngoan nói:
– Bản thân tôi không thể thông giải giấc mộng của ngài. Nhưng tới một giờ phút nhất định, vào một ngày nhất định và trong một tháng nhất định, khi tôi pha chế nhiều loại vỏ cây và cây làm thành một cây nhang, kẻ nào ngửi hương khói nó lập tức biết câu trả lời cho các câu hỏi của ngài.
Thấy mình đã bỏ ra một thời gian rất lâu mới tìm được hiền giả, nhà vua nghĩ rằng mình cũng có thể chờ cho tới ngày ấy tháng ấy. Và ông đã làm như thế. Ngay khi vừa mới ngửi mùi nhang đó, ông bắt đầu thấy và hiểu rất nhiều, tới độ ông thậm chí còn biết mình đã ở đâu trước khi được sinh ra, lúc linh hồn mình còn trên Thượng giới. Ông thật sự thấy nó từ thế giới đó xuống thế giới này và nghe những người truyền lệnh loan báo rằng:
– Ai có lời phản đối sự ra đời của linh hồn này thì hãy nói ra ngay hoặc mãi mãi giữ mình yên lặng.
Và lúc đó rõ ràng không có lời phản đối nào cho tới khi có ai đó chạy tới la lên:
– Hỡi Chúa tể Vũ trụ, xin hãy nghe tôi nói! Nếu linh hồn ấy sinh vào thế giới này thì nơi đó tôi sẽ phải làm gì thêm và tại sao lại tạo ra tôi?
Kẻ phát biểu đó là Quỉ vương Samael[1], và hắn được trả lời rằng:
– Linh hồn này phải xuống hạ giới và ngươi sẽ phải sử dụng nó cách nào có lợi nhất.
Nghe vậy, Samael cất chân đi thẳng.
Linh hồn của nhà vua vẫn còn bị dẫn qua nhiều thế giới cho tới khi ra trước Pháp đình Thiên cung để đưa lời Tuyên thệ Giáng lâm. Trong khi đó, vẫn không thấy tung tích của Samael đâu. Một sứ giả được phái đi tìm hắn, và khi trở về, mang theo một đồng đảng của hắn, một lão già lưng còng vì tuổi tác. Lão già nói trong tiếng cười rằng:
– Chúng tôi đã tìm ra cách sử dụng tốt nhất linh hồn này. Bây giờ, linh hồn hắn có thể giáng lâm!
Và như thế, linh hồn của nhà vua được phép giáng xuống trần gian. Và hương nhang ấy cũng làm cho ông thấy mọi thứ khác từng xảy ra cho mình – việc ông được tấn phong làm vua, những trận mạc ông đã xông pha, những ngườI tù ông đã bắt, trong số đó có một giai nhân vớI sức quyến rủ hiếm có mà dù có vẻ như của chính cô nhưng thật ra không phảI, nó chính là của viên kim cương đang treo bên trên cô.
Và câu chuyện này vẫn còn nhiều điều nữa, nhưng phần còn lạI không bao giờ được ghi lại.
(Nguyễn Ước dịch từ bản tiếng Anh, “The Fly and the Spiders,” in trong tập Jewish Folktales, tuyển chọn và kể lại bởi Pinhas Sadeh, dịch từ nguyên bản tiếng Hebrew bởi Hillel Halkin. New York: Doubleday, 1989. Trang 389-392)

Chú thích:
[1]Samael: Quỉ vương hay quỉ sứ (Satan, Samael, Ashmodai, Asmodeus). Tên theo nguyên ngữ Hebrew nghĩa là “chống đối”, dùng để nhân cách hóa, như một kẻ xúi dục người khác làm điều ác. Theo niềm tin của nhiều tôn giáo, nó là một tác nhân dối trá, độc dữ và siêu nhiên, ảnh hưởng lên động thái của con người.
Theo truyền thống Thiên Chúa giáo (gồm Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo), Satan là một bộ mặt nguy hiểm cực độ, thủ lãnh các thần linh độc dữ hoặc các thiên thần sa đọa và bản thân nó cũng là một thiên thần sa ngã. Chúng từng là phẩm (cơ binh) thứ nhất trong 10 cơ binh thiên thần, bị Thượng đế trừng phạt vì đã dám kiêu ngạo, thách thức quyền năng của ngài. Vì thế, ngày nay, các cơ binh thiên thần còn lại được gọi là chín phẩm thiên thần.
Cũng theo Kinh thánh, Satan có đầy đủ quyền phép chẳng kém Thượng đế, ngoại trừ khả năng làm con người tái sinh, được hiểu như khả năng làm điều thiện. Trong văn học tôn giáo, Satan xuất hiện với nhiều lớp hóa trang khác nhau, mang lốt con người hay loài vật, và nhiều danh xưng khác nhau như Beelzebul, Belial, v.v. Cũng theo truyền thống Thiên Chúa giáo, người bị chứng quỉ ám là bị Satan chiếm hữu, khác với ma ám. Tuy thế, vẫn có tín ngưỡng thờ phượng Satan, gọi là Satanism, liên quan tới phép phù thủy, ma thuật, huyền thuật của pháp sư, phù thủy, v.v. Tín ngưỡng này vẫn dai dẳng thịnh hành bất chấp sự chống đối của Thiên Chúa giáo trong suốt chiều dài lịch sử.
-Văn bản truyện này lấy từ cuốn sách bằng tiếng Hebrew The Life of Rabbi Nachman of Bratslav [ Cuộc Đời Của Thầy Cả Nachman Ở Bratslav ] xuất bản ở Lemberg vào đầu thế kỷ 19.

No comments:

Post a Comment