Sunday, October 21, 2012

Ủy ban Công Giáo - Do Thái Giáo: Khoa học cần có Tôn giáo


Ủy ban Công Giáo - Do Thái Giáo: Khoa học cần có Tôn giáo
Zenit
CN, 24/01/2010 - 16:43

Uỷ ban ủng hộ Yahad In Unum

WGPSG / ZENIT (20-01-2010)  – Các nhà lãnh đạo Công Giáo và Do Thái Giáo nhấn mạnh, cần áp dụng đạo đức tôn giáo trong việc định hướng những tiến bộ khoa học trên tinh thần trách nhiệm là tôn trọng môi trường và nhân vị.

Điều này được khẳng định trong một tuyên bố bằng tiếng Anh do Tòa Thánh Vatican phát đi hôm nay từ cuộc họp ủy ban song phương các nhà lãnh đạo Công giáo và Do Thái giáo.

Tại Roma, phái đoàn của Ủy Ban Tòa Thánh phụ trách Quan Hệ Tôn Giáo với Người Do Thái, do Đức Hồng Y Jorge Mejía dẫn đầu, đã gặp gỡ với Phái Đoàn Trưởng Giáo Sỹ Israel phụ trách Quan Hệ với Giáo Hội Công Giáo do Trưởng Giáo Sỹ She’ar Yashuv Cohen dẫn đầu.

Cuộc họp lần thứ 9 này của ủy ban diễn ra tại Roma, bắt đầu ngày Chúa Nhật cùng với chuyến đi lịch sử của Đức Biển Đức XVI tới Giáo Đường Do Thái tại Roma.

Tuyên bố ghi chú rằng tại sự kiện này, với sự tham dự của tất cả các thành viên trong ủy ban, ĐGH “xác nhận cam kết của Giáo Hội Công Giáo và mong muốn mở rộng cuộc đối thoại và tình huynh đệ với Do Thái Giáo và Dân Tộc Do Thái,” và “thẳng thắn lên án chủ nghĩa bài Do Thái và chống Do Thái Giáo.”

Người nêu rõ “nhiệm vụ, tầm quan trọng, và thành tựu của ủy ban song phương,” sau đó là thảo luận “Giáo huấn Công Giáo và Do Thái Giáo về sự sáng thế và môi trường.”

Khủng hoảng môi trường

ĐGH bày tỏ hy vọng có một “cuộc đối thoại thật bổ ích về chủ đề quan trọng đó vào đúng thời điểm đó.”

Trong tuyên bố hôm nay, đánh dấu ngày cuối cùng của cuộc họp, ủy ban nêu rõ “cuộc khủng hoảng môi trường đặc biệt hiện nay căn bản là do sự khai thác không kiềm chế về nguyên liệu và kỹ thuật.”

Tuyên bố nói tiếp, “Rõ ràng thách thức này cần phải trình bày qua các phương tiện kỹ thuật cần thiết cũng như việc tự kiềm chế, sự khiêm tốn và kỷ luật; nhưng những tham dự viên cũng nhấn mạnh đến việc cần làm cho xã hội nhận ra chiều kích siêu việt của tạo vật, là điểm then chốt để bảo đảm sự phát triển và tiến bộ lâu dài một cách có trách nhiệm về mặt đạo đức.”

Ủy ban thừa nhận, ”Không phải mọi thứ khả thi về mặt kỹ thuật thì đều có thể chấp nhận được về mặt đạo đức,”

Ủy ban lưu ý rằng nhận thức này “bảo đảm rằng mọi phương diện tiến bộ của con người đều thúc đẩy sự phồn thịnh cho các thế hệ tương lai và làm hiển vinh Danh Thánh.”

Ủy ban nói thêm, nếu thiếu nhận thức đó sẽ “dẫn tới những hậu quả hủy diệt đối với nhân loại và môi trường và làm ô uế Danh Thánh,”

Việc can thiệp của con người

Tham khảo truyền thống Kinh Thánh, ủy ban xác nhận rằng “trách nhiệm của chúng ta đối với hệ sinh thái liên quan mật thiết và phản ánh nghĩa vụ của chúng ta đối với nhau.”

Trích diễn văn của Đức Thánh Cha tại Giáo Đường Do Thái ở Roma, tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh “lòng khoan dung đặc biệt đối với người nghèo, đối với phụ nữ và trẻ em, người xa lạ, kẻ ốm đau, người yếu đuối hay kẻ gặp khó khăn.”

Tuyên bố xác định, “Tính đạo đức của việc con người can thiệp vào trật tự tự nhiên nằm ở chỗ biết hạn chế quyền lực của khoa học và hạn chế sự đòi hỏi tuyệt đối của khoa học, và trong việc thể hiện tình liên đới nhân loại và trách nhiệm đạo đức đối với mọi sự.”

Như vậy Ủy ban đã thúc giục “tất cả những đổi mới và cải tiến khoa học phải đi sát với tôn chỉ đạo đức của tôn giáo.”

Ủy ban nêu lên, “Đạo đức môi trường chân chính là điều kiện chính đem lại hòa bình và hòa hợp thế giới,”

Tuyên bố nhấn mạnh “tầm quan trọng then chốt của giáo dục đạo đức tôn giáo ở mọi cấp” để “đảm bảo việc phát triển xã hội và khoa học trên tinh thần trách nhiệm.”

Trong những ngày này, các thành viên ủy ban cũng tham dự buổi thuyết trình của Cha Patrick Desbois tại Đai học Giáo Hoàng Gregory, trình bày công việc của Yhad-In Unum trong việc “tìm kiếm và tưởng niệm những địa điểm không xác định tại Đông Âu liên quan tới việc giết người hàng lọat trong thời kỳ diệt chủng Đức Quốc Xã.”

Ủy ban thúc giục sự ủng hộ và công bố “công việc rất quan trọng này, để học hỏi về những bi kịch quá khứ, để bảo vệ và tôn trọng tính thánh thiêng của cuộc sống con người ở mọi nơi, sao cho những hành động tàn bạo không bao giờ tái diễn nữa.”

Người chuyển dịch:  Quỳnh Như
Nguồn:  Zenit

No comments:

Post a Comment